Lo ngại mất đi văn hóa đánh giày ở Mỹ
Từ lâu, văn hóa đánh giày đã phổ biến ở Mỹ và được thể hiển trong nhiều câu chuyện hoặc bộ phim về những người thợ đánh giày.
Theo hãng AP, vào một ngày mùa đông ở cửa hàng sửa chữa giày Penn Station, nhiều khách hàng chờ đợi đánh giày của mình trong khi những người thợ đánh giày miệt mài làm sáng bóng những đôi giày và ủng.
Từ lâu, văn hóa đánh giày tại Mỹ đã được thể hiện trong những câu chuyện hoặc bộ phim kể về những người thợ đánh giày. Những chàng trai đánh giày (và đôi khi là các cô gái) trong nhiều thập kỷ đã xuất hiện trong nhiều các bộ phim và chương trình truyền hình, từ những bộ phim kinh điển như "Shoeshine" năm 1946 của Đạo diễn Vittorio De Sica cho đến những bức tranh về những người đánh giày da màu.
Ngày nay, truyền thống đánh giày nhanh đã giảm đi rất nhiều và hầu hết những gian hàng tương tự như ở Penn Station đã biến mất trên khắp nước Mỹ. Sự sụt giảm các gian hàng đánh giày tại Mỹ đang diễn ra nhanh hơn do đại dịch Covid-19 và nhu cầu làm việc từ xa. SC Johnson, công ty sản xuất xi đánh giày lớn nhất Kiwi thậm chí cho biết đã ngừng bán sản phẩm này ở Anh do nhu cầu giảm.
Thống kê vào năm 2007 cho biết chỉ có 30 cơ sở đánh giày còn lại tại Mỹ. Theo công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld, thị trường sửa chữa giày đã giảm khoảng 23% từ năm 2013 đến năm 2023, xuống còn 307 triệu USD. Theo số liệu từ Nielsen, doanh số bán xi đánh giày năm 2022 đạt tổng cộng 27,3 triệu hộp, giảm 29% so với năm 2019.
Ông Nisan Khaimov, người sở hữu gian hàng đánh sửa giày ở Penn Station cho biết gian hàng của ông đánh 80 đến 100 đôi giày/ngày trước đại dịch Covid-19.
"Đến khi mọi người quay trở lại làm việc, tình hình vẫn không được cải thiện", ông Khaimov nói.
Hay Rory Heenan, 38 tuổi, một nhân viên kế toán ở Philadelphia cho biết khi còn nhỏ, ông thường đi tàu cùng cha đi làm và xem thợ đánh giày.
Văn hóa đánh giày ở Mỹ
Tại hành lang giữa tàu điện ngầm và bến xe buýt The Port Authority, Jairo Cardenas cũng đang cảm thấy khó khăn. Hoạt động kinh doanh tại công ty sửa giày Alpha Shoes Repair Corp.- nơi ông Cardenas điều hành trong suốt 33 năm - đã giảm 75% năng suất so với trước đại dịch. Hiện tại cửa hàng chỉ còn một thợ đóng giày trong số 3 người mà ông thuê trước đại dịch. Những người thợ của ông thường đánh 60 hoặc 70 đôi giày mỗi ngày. Bây giờ, may mắn vào một số ngày đẹp trời, số giày đánh khoảng 10 đến 15 đôi. Hiện tại, người dân đã quay trở lại làm việc và ông hy vọng việc kinh doanh sẽ dần trở lại bình thường vào mùa xuân năm nay.
Sửa giày thường kiếm được nhiều tiền hơn đánh bóng. Tại công ty Leather Spa của ông David Mesquita, nơi điều hành 5 cơ sở sửa giày và đánh giày, trong đó có hai cơ sở ở Grand Central, hầu hết hoạt động kinh doanh đến từ sửa chữa giày, túi xách và quần áo. Tuy nhiên, dịch vụ đánh giày vẫn là nhu cầu quan trọng để thu hút người dân đến bảo dưỡng giày ở Leather Spa vì không có sẵn ở mọi nơi. Trước đại dịch, Leather Spa đặt 4 chiếc ghế đánh giày ở Grand Central và 6 thợ đánh giày luân phiên, ước tính đánh khoảng 120 chiếc mỗi ngày. Hiện tại, cơ sở chỉ có 40 -50 đôi giày nhận đánh bóng mỗi ngày nếu may mắn. Tuy nhiên, ông Mesquita đang nhận thấy nhiều khách hàng đang quay trở lại. Số lượt đánh giày vào tháng 12/2022 đã tăng 52% so với tháng 12/ 2021. Thứ Hai và thứ Sáu ít bận rộn hơn so với giữa tuần do lịch làm việc của nhân viên văn phòng.
"Giao thông đang dần quay trở lại, chúng tôi đang thấy người đi làm đã quay trở lại công việc. Tất nhiên mọi thứ chưa thể đảm bảo 100%'", ông Mesquita nói.
Ông Mesquita cũng cho rằng dịch vụ đánh giày không phải là thứ sẽ biến mất hoàn toàn.
"Mọi người thích đối xử tốt hơn với bản thân, chăm chút hơn cho bản thân, cho dù đó là một lần/tuần hay hai lần/ tuần hay hai tuần/ lần. Nó thật tuyệt", ông Mesquita nhận định.
Bên cạnh các trung tâm trung chuyển của thành phố lớn, các sân bay cũng là một trong số ít những địa điểm còn lại để tìm thấy một cửa hàng đánh giày đáng tin cậy. Jill Wright sở hữu Executive Shine, điều hành các trạm đánh giày ở các sân bay Denver và Charlotte. Bà Wright nói rằng công việc kinh doanh của bà đã bị ảnh hưởng khi du lịch hàng không ngừng hoạt động. Khi các sân bay bắt đầu mở cửa trở lại, mọi thứ vẫn chưa quay lại ngay. Những người duy nhất được đánh giày là phi công và phi hành đoàn, điều này giúp công ty của bà tiếp tục kinh doanh. Giờ đây, Wright cho biết hoạt động kinh doanh vẫn chỉ bằng 35% so với năm 2019.
"Các công ty đang bắt đầu quay trở lại nhưng không thể ở mức độ như trước ", bà Wright nói.
Ngành du lịch đang hồi phục nhưng Hiệp hội Du lịch Mỹ dự đoán hoạt động du lịch vào năm 2023 vẫn sẽ giảm 10% so với năm 2019 và sẽ chỉ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Thay vì đi du lịch trong trang phục bảo hộ, một số du khách đã tìm đến dịch vụ đánh bóng giày. Giống như ông Mesquita, bà Wright kỳ vọng nhu cầu về dịch vụ đánh giày sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, bởi vì nó không chỉ là một dịch vụ giao dịch đơn thuần.
"Mọi người đến để đánh giày nhưng cũng đến để kết nối và trò chuyện. Đây cũng xem là nơi để thư giãn và nói chuyện để được nhìn thấy và cảm nhận được lòng trắc ẩn nào đó", bà Wright nói./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/lo-ngai-mat-di-van-hoa-danh-giay-o-my-20230303112335432.htm