Lo ngại nhiệm vụ trùng lặp, chồng chéo khi bỏ thanh tra bộ, thanh tra sở

Một số đại biểu băn khoăn về trách nhiệm, phạm vi thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán hay giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Quốc hội hôm nay sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 25/6 tới đây.

Trước đó, tại các phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm, phạm vi thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán hay giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, bỏ thanh tra bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện, công việc sẽ dồn lên Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh rất nặng.

Do đó, ông kỳ vọng khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), hệ thống cơ quan thanh tra mới sẽ hoạt động tốt, hiệu lực, hiệu quả hơn, không gây phiền hà, không bỏ trống nhiệm vụ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Hoàng Hà

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Hoàng Hà

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) nêu thực trạng hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, thống nhất giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra.

“Kiểm tra chắc cũng không khác lắm so với thanh tra, thậm chí vẫn có thẩm quyền xử phạt”, ông Hiển nói. Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương có hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Theo ông Hiển, điều này vừa bảo vệ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm hoạt động của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân có nhiều nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra rất đáng quan tâm, cần được thể chế hóa.

Đồng tình với yêu cầu cần làm rõ việc xử lý chồng chéo trong thanh tra và kiểm toán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, khi tổ chức thanh tra 3 cấp, chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán xảy ra khá nhiều.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo đã có những quy định nhằm xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với kiểm toán thông qua sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành, theo Thanh tra Chính phủ, dự thảo luật không quy định do đây là các hoạt động có sự khác nhau về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.

Không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành

Dự thảo luật quy định thống nhất một khái niệm thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đó, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Quốc hội

Thanh tra Chính phủ cho rằng, khái niệm thanh tra đã đảm bảo bao trùm cả thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Báo cáo nêu rõ, khái niệm này được kế thừa từ Luật Thanh tra năm 2022 và có sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với chủ trương, chính sách về thanh tra và thực tiễn của hoạt động thanh tra hiện nay.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo trình tự, thủ tục thống nhất được pháp luật quy định và về phương thức cơ bản giống như hiện nay.

Về việc bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước sau khi kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, sở, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo Kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan không còn thanh tra thì thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, các bộ không có thanh tra bộ thì đề nghị Thanh tra Chính phủ; các sở đề nghị thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ có 20 đơn vị hành chính có chức năng quản lý nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị hành chính gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực (Bắc, Trung, Nam); Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; các cục chức năng theo lĩnh vực (nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo, tài chính, ngân hàng, xây dựng…); Cục Giám sát và thẩm định; Cục Theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra; Ban Tiếp công dân Trung ương.

Các đơn vị sự nghiệp công lập gồm Báo Thanh tra và Trường Cán bộ thanh tra.

Ban Tiếp công dân Trung ương trực tiếp quản lý trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lo-ngai-nhiem-vu-trung-lap-chong-cheo-khi-bo-thanh-tra-bo-thanh-tra-so-2403541.html