Lo ngại tác dụng phụ, có nên dừng thuốc điều trị viêm gan C?
Tôi năm nay 54 tuổi, vừa rồi thấy mệt mỏi chán ăn, sụt cân nên đi khám bệnh thì phát hiện viêm gan C mạn tính. Bác sĩ kê đơn cho dùng peg-interferon kết hợp với ribavirin để điều trị. Tuy nhiên đọc thấy peg-interferon có nhiều tác dụng phụ. Xin hỏi tôi có nên dừng thuốc và xin dùng loại thuốc khác ít tác dụng phụ hơn không?
Phí Quang Tâm (Thái Bình)
Những người viêm gan C mạn nếu không dùng thuốc điều trị hiếm khi thanh thải virus tự nhiên, trừ khi tình trạng miễn dịch bị thay đổi. Ở các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C mạn, mục tiêu điều trị là diệt trừ virus, ức chế virus sao chép lâu dài và giảm tình trạng viêm gan. Do đó, bạn cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dừng thuốc hoặc nghe theo kinh nghiệm của người khác mà mua thuốc không đúng chỉ định về dùng.
Điều trị viêm gan C mạn đã có nhiều tiến triển, đầu tiên là các liệu trình interferon ngắn hạn đã làm giảm nồng độ men ALT trong huyết thanh, giảm nồng độ virus viêm gan C và làm giảm tình trạng viêm gan. Tuy nhiên diệt trừ virus không xảy ra và phần lớn bệnh nhân tái phát sau khi ngừng thuốc. Sau này liệu trình phối hợp interferon và ribavirin có khả năng diệt trừ virus ở 40% các bệnh nhân. Sau đó, liệu pháp peg-interferon kết hợp với ribavirin (được áp dụng từ nhiều năm nay), cho tỷ lệ đáp ứng virus học kéo dài trên 50% các bệnh nhân đã dần thay thế các chế độ điều trị cũ.
Peg-interferon là sự phối hợp giữa interferon với polyethylen glycol, còn gọi là pegylate hóa, làm thanh thải thuốc chậm đi và do đó phơi nhiễm kéo dài với nồng độ thuốc cao hơn, nên chỉ dùng 1 tuần một lần. Trường hợp bệnh nhân chống chỉ định dùng ribavirin có thể được điều trị bằng peg-interferon.
Nếu bạn đọc trong tờ hướng dẫn dùng thuốc, thì thấy thuốc có khá nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, bất kỳ một loại thuốc điều trị bệnh nào cũng sẽ có những tác dụng bất lợi lên cơ thể, do đó bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa lợi và hại khi dùng thuốc để kê cho bệnh nhân.
Đối với peg-interferon, các tác dụng phụ thường gặp trong lâm sàng phần lớn là ở mức độ nhẹ và trung bình, không cần hạn chế điều trị. Các tác dụng phụ hay gặp là đau nơi tiêm, mệt, ớn lạnh, sốt, đau khớp, triệu chứng giống cúm, trầm cảm... Ngoài ra có thể gặp giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, phát ban, tăng cảm giác, nhìn mờ, lú lẫn, rong kinh, táo bón, rối loạn tâm thần... Trong quá trình dùng thuốc nếu gặp tác dụng phụ này, bạn cần báo cho bác sĩ biết để được tư vấn cụ thể.