Lo ngại thịt lợn giết mổ nhỏ lẻ từ các tỉnh 'tuồn' vào TP Hồ Chí Minh dịp Tết

Ngày 20/1, tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã đề nghị Thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt đối với các cơ sở nhỏ lẻ và các cơ sở giết mổ thủ công ở khu vực giáp ranh.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa phục vụ cho những ngày cận Tết tại các chợ đầu mối đã tăng mạnh, đạt mức tăng 80% so với ngày thường, lên tới 13.000 - 15.000 tấn mỗi ngày; đồng thời, lượng khách mua sắm tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi cũng ghi nhận mức tăng từ 50% đến 80%. Các kênh phân phối hàng hóa hiện vẫn hoạt động hiệu quả, liên tục, đảm bảo không để trống kệ hàng hay ùn tắc khách mua sắm trong dịp Tết.

Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng được dành để chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho dịp Tết chiếm từ 25% đến 43% thị phần.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa trong những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã tăng cường nhân lực, nâng cao công suất phục vụ và kéo dài thời gian hoạt động. Hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ vào ngày Mùng 1. Một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động liên tục trong suốt kỳ nghỉ Tết.

Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng đã tổ chức 316 đoàn kiểm tra, kiểm tra 1.692 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện vật chất của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và các vấn đề liên quan đến việc công bố chất lượng sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… Kết quả kiểm tra phát hiện 47 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt lên đến 63,8 triệu đồng.

Bên cạnh công tác kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu gửi đi phân tích, kiểm nghiệm; tập trung vào những sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, rau củ quả, bánh kẹo, nước giải khát…

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã đẩy mạnh công tác kiểm nghiệm để đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, số lượng mẫu kiểm nghiệm hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn so với lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường. Do đó, đơn vị đã tăng cường công tác xã hội hóa trong kiểm nghiệm như tại các chợ đầu mối, siêu thị đều có kiểm nghiệm, test nhanh hàng đêm và các đơn vị này sẽ ngưng tiêu thụ nếu phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, khó khăn nhất của đơn vị trong công tác thanh kiểm tra đó là lực lượng mỏng, nhân sự thiếu trong khi các vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng tinh vi và các sản phẩm thực phẩm ngày càng nhiều. Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bà Lan dẫn chứng, khi đi kiểm tra, kiểm nghiệm phải 3 - 4 ngày mới có kết quả, trong khi nếu có sai phạm, các sản phẩm vi phạm đã bị tiêu thụ hết, hàng hóa đã bị tẩu tán hoặc thậm chí chủ lô hàng bỏ trốn.

"Trong những năm qua, Thành phố đã rất nỗ lực trong việc tập trung kiểm soát giết mổ thịt lợn, đưa vào các lò mổ tập trung. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay là lợn giết mổ nhỏ lẻ ở các tỉnh lân cận đem vào thành phố tiêu thụ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm", bà Lan nói.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Sở An toàn Thực phẩm Thành phố cần tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với các tỉnh thành lân cận để kiểm tra gắt gao các cơ sở giết mổ lợn nhằm ngăn chặn tình trạng thịt lợn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng xâm nhập vào thành phố.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và phân phối trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lo-ngai-thit-lon-giet-mo-nho-le-tu-cac-tinh-tuon-vao-tp-ho-chi-minh-dip-tet-20250120183454644.htm