Lo ngại trước tình trạng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng

Sáng 26-10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 và sau đó thảo luận về nội dung này.

Một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh đến những điểm sáng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội. Cụ thể, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ... Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Tuy vậy, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý, mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: Hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%...

Các hành vi vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp

Góp ý tại phiên thảo luận, nhóm vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua, được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nhắc lại báo cáo của Chính phủ cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam đi các nước châu Âu có diễn biến phức tạp. Theo đại biểu, các hành vi vi phạm liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép, như xuất nhập cảnh trái phép vào nước ta để lao động, xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi sang nước thứ ba.

“Hậu quả, có những hành vi vi phạm có khi rất nặng nề, thương tâm nhất là xuất, nhập cảnh trái phép liên quan tới các hoạt động mua bán người. Đặc biệt trong những ngày cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng dịch Covid-19 thì các đối tượng phạm tội trong nước câu kết với người nước ngoài đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nội địa hoặc để sang nước thứ ba, hậu quả sẽ không thể lường được nếu các đối tượng này nhiễm bệnh, lọt sâu vào nội địa, gặp gỡ nhiều người...

 Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Nhắc lại một số vụ việc điển hình được cử tri hoan nghênh như vụ bắt giữ 28 người nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh, 100 người vào TP Đà Nẵng...song đại biểu tỉnh Sơn La cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm trong lĩnh vực này của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Có vụ việc người nước ngoài cư trú trái phép trong thời gian dài mới được phát hiện; hay xuất hiện nhiều đường dây đưa người nước ngoài vào nước ta trái phép để thu lợi bất chính.

“Đây không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp hiện nay trong khu vực và trên thế giới, tôi kiến nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể, có các giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có đánh giá về tính tương xứng về mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các hành vi liên quan tới nhập cảnh trái phép”, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng mối quan tâm đến nhóm tội phạm này, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tiếp tục ưu tiên chỉ đạo, tăng cường nhân lực kiểm soát các khu vực biên giới, nhất là việc lắp các trang thiết bị hỗ trợ và đầu tư các chốt cứng của Biên phòng.

Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm về chế độ ở mức cao hơn với các cán bộ trực trong thời điểm này, bởi lẽ, dự báo đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của đất nước. Trong thời gian qua, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, ở đây không chỉ là giải quyết vấn đề vi phạm về xuất, nhập cảnh mà đó còn là vấn đề về bảo đảm an toàn cho đất nước. Tại thời điểm này, trên biên giới đã lạnh giá. Các chiến sĩ biên phòng và công an vẫn thường xuyên thường trực rải quân trên toàn tuyến biên giới để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và kịp thời giúp đỡ nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh.

“Vì vậy, tôi rất kính mong các đồng chí quan tâm những đề xuất trên đây, để xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới”, đại biểu kiến nghị.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại khi một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể, tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Từ tình hình này, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần có đánh giá cụ thể và hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đồng thời có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/lo-ngai-truoc-tinh-trang-mot-so-loai-toi-pham-nghiem-trong-tang-642023