Lỗ nhỏ đắm thuyền
Những ngày gần đây, việc toàn bộ mặt sân lát bằng đá granite ở khu tượng đài Hoàng đế Quang Trung thuộc Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được cạy lên để nâng cấp với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, trong khi như nhận xét của nhiều người dân “vẫn đang đẹp”, đã gây chú ý trong dư luận. Tất nhiên, cơ quan chức năng có lý lẽ của họ, rằng: nhìn tổng thể mặt sân lát vẫn còn đẹp, nhưng chi tiết thì nhiều chỗ đá đã bị bể góc, bể cạnh, gập ghềnh. Sự việc này làm chúng tôi nhớ tới cách xử lý vấn đề tương tự đã được các chuyên gia Bỉ chia sẻ cách nay chưa lâu trong Hội thảo “Cải tạo phát triển khu trung tâm thành phố: Công trình xanh và bảo tồn phát triển di sản kiến trúc đô thị” do Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM phối hợp cùng với các chuyên gia Bỉ tổ chức. Tại cuộc hội thảo này, các chuyên gia Bỉ cho rằng tái sử dụng công trình kiến trúc cũ là một giải pháp đạt được nhiều mục tiêu. Đó là vừa tiết kiệm chi phí trong duy tu, sửa chữa công trình vừa làm cho công trình có “hồn” hơn khi lưu giữ được các “tầng” thời gian trong kiến trúc của nó.
Các chuyên gia Bỉ đã đưa nhiều ví dụ về sửa chữa công trình cũ tại Bỉ, như một tòa nhà hành chính của một thị trấn ven biển nước Bỉ đã quá tải và xuống cấp theo thời gian. Ngôi nhà này không có kiến trúc độc đáo, thậm chí nó đơn giản như một ngôi nhà cấp 4 ở Việt Nam, nên việc đập đi, xây lại, rất dễ và chắc cũng chẳng có ai phản đối. Thế nhưng, theo các kiến trúc sư Bỉ, đó không phải là cách giải quyết khôn ngoan. Họ đã nghiên cứu và nhận thấy chỉ cần gia cố thêm móng, sửa vài cây cột là công trình ổn. Còn vấn đề quá tải? Đây là một làng chài… nên quyết định tiếp theo của các kiến trúc sư là làm một công trình xây mới với vật liệu thích hợp, có hình như cánh buồm chồng lên trên tòa nhà hành chính cũ. Tất nhiên, tòa nhà cũ cũng được sửa thêm cho giống một con thuyền. Cuối cùng, khi công trình hoàn tất, cả khối kiến trúc trông như một chiếc thuyền buồm đang mạnh mẽ ra khơi và điều này đã làm cho người dân tại đây hài lòng. Hay như ở châu Âu những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên để phục vụ cho sự phát triển. Những công trình kiến trúc ấy giờ đây trở nên lạc hậu. Thế là các kiến trúc sư bắt tay vào nghiên cứu, đánh giá toàn bộ công trình. Nét độc đáo của kiến trúc cũ được ghi nhớ và trong quá trình cải tạo, chuyển đổi công năng của các công trình này, chúng được lưu giữ lại. Nhiều nhà xưởng đã được cải tạo thành trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em… rất hiện đại, song nét xưa vẫn còn.
Ở nước ta, cải tạo, sửa chữa công trình cũ theo hướng “bỏ hết, làm lại mới hoàn toàn” không chỉ mới đây và cũng không chỉ có ở Bình Định. Tại TPHCM, nhiều vỉa hè còn rất mới, chỉ hư vài viên gạch cũng bị đập bỏ để làm mới. Thậm chí, có vỉa hè được lót bằng đá từ trăm năm trước, chỉ vì có mấy chục viên đá bị bể mà đã bị bóc lên hết để lát gạch mới. Ở các công sở, nhiều công trình xây dựng cũ hoàn toàn có thể duy tu, sửa chữa với kinh phí vừa phải đã bị đập bỏ để xây mới... Và tất nhiên, họ luôn có lý do để làm vậy.
Không dám nghĩ theo kiểu dư luận hay nói “có xây mới có cất” nhưng công tâm nhìn nhận, với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, cách duy tu, sửa chữa công trình kiến trúc hiện hữu theo hướng “đập đi làm mới lại” thật không hay, vừa tốn kém vừa không tinh tế, thậm chí còn xấu xí hơn. Trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, mỗi công trình lãng phí vài tỷ, vài chục tỷ, và không chỉ một công trình mà cả trăm rồi một ngàn công trình như thế sẽ là con số khổng lồ. “Lỗ nhỏ đắm thuyền” - người xưa đã đúc kết như vậy.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lo-nho-dam-thuyen-630881.html