Lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên có thể 'bị tổn thương' bởi thời tiết khắc nghiệt
Hình ảnh vệ tinh do một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ công bố cho thấy tình hình lũ lụt gần đây ở Triều Tiên có thể đã làm hỏng hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân chính của nước này, Reuters đưa tin.
Trang 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều, thuộc Đại học John Hopkins, Mỹ chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, ngày 13/8 cho biết, hình ảnh vệ tinh từ ngày 6-11/8 cho thấy hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon dễ bị tổn thương như thế nào trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Thời gian gần đây, Bán đảo Triều Tiên đã phải hứng chịu một trong những đợt mưa kéo dài nhân trong lịch sử. Các trận lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng đã gây thiệt hại cả về người và tài sản cho Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nằm bên bờ sông Kuryong, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km (60 dặm) về phía Bắc, Yongbyon thuộc tỉnh Bắc Pyongan là nơi đặt các lò phản ứng hạt nhân, nhà máy nhiên liệu tái chế và các cơ sở làm giàu urani mà được cho là để phục vụ các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của nước này, Reuters cho biết.
Lò phản ứng có công suất 5MW – được cho là được sử dụng để sản xuất plutonium ở cấp độ vũ khí - tại nhà máy Yongbyon dường như đã không còn hoạt động được một thời gian. Trong khi đó, lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm (ELWR) chưa đi vào vận hành. Các nhà khoa học của 38 North cảnh báo những trận lũ tương tự trong tương lai có khả năng khiến giới chức Triều Tiên phải ngưng lò phản ứng.
Báo cáo cho biết: “Thiệt hại đối với hệ thống máy bơm và các đường ống bên trong trạm bơm là lỗi hổng lớn nhất đối với các lò phản ứng. Ví dụ, nếu các lò phản ứng đang hoạt động mà không được làm mát, chúng sẽ buộc phải ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn”.
Tuy nhiên, 38 North cũng cho hay, những đợt lũ ở hạ lưu tràn về không còn đe dọa đến nhà máy làm giàu urani của cơ sở Yongbyon. Và đến ngày 11/8, mực nước dường như đã rút đi phần nào.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên không đề cập bất kỳ thiệt hại nào đối với nhà máy làm giàu urani của cơ sở Yongbyon. Nhưng theo KCNA, trong tuần này, các lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên đã đi thị sát các khu vực bị lũ lụt, cung cấp viện trợ và chỉ đạo hoạt động ngăn nước dâng cao làm hư hại mùa màng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về báo cáo của 38 North, nhưng cho biết họ luôn theo dõi các diễn biến liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và duy trì hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Việt Nam vào năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề nghị dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Trump cho biết ông từ chối thỏa thuận đó vì Yongbyon chỉ là một phần trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên và không đủ điều kiện nhượng bộ để đảm bảo nới lỏng nhiều lệnh trừng phạt.