Lo quy định mới về hóa đơn 'đẻ' thêm thủ tục, chi phí

Việc điều chỉnh các hóa đơn đã lập sẽ gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị phân phối và có nhiều chương trình chiết khấu cho từng mặt hàng khác nhau vì số lượng hóa đơn điều chỉnh rất nhiều.

Nhiều quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ được đánh giá là không cần thiết hoặc tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp (DN). Ví dụ, quy định thời điểm lập hóa đơn với trường hợp xuất khẩu hàng hóa là không quá 24 giờ kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan.

Không chỉ vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 còn quy định DN phải lập hóa đơn thuế trong các trường hợp sau: Tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc, công cụ, dụng cụ; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc nhận hoàn trả hàng hóa... Theo phản ánh của các nhà kinh doanh, quy định này không phù hợp.

Phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa

Ông Nguyễn Quốc Lâm, Phó Giám đốc một công ty xuất khẩu thực phẩm tại TP.HCM, cho biết khi thực hiện các hoạt động nêu trên, công ty đã phải thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định.

“Nếu yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của DN. Do vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này” - ông Lâm đề xuất.

 Quy định về hóa đơn cho hoạt động chiết khấu thương mại, khuyến mãi có thể gây khó khăn cho các nhà kinh doanh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Quy định về hóa đơn cho hoạt động chiết khấu thương mại, khuyến mãi có thể gây khó khăn cho các nhà kinh doanh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cũng cho rằng hiện nay các DN phải lập hóa đơn thuế trong các trường hợp như tạm xuất tái nhập, tạm nhập tái xuất… và phải tuân thủ quy định về hải quan. Đồng thời, hoạt động này không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ; không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét bỏ quy định trong những trường hợp không cần thiết để tránh gây khó cho các công ty xuất nhập khẩu.

Cần hóa đơn đơn giản hơn

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 đề xuất quy định số tiền chiết khấu điều chỉnh trên hóa đơn của lần cuối cùng và kỳ tiếp sau không vượt quá hóa đơn lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.

Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh cho các hóa đơn đã lập. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

 Nếu yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa được áp dụng sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Nếu yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa được áp dụng sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp. Ảnh: QUANG HUY

Đại diện Tập đoàn VNPT cho rằng quy định như vậy rất vướng. Bởi các chương trình chiết khấu thương mại thường dựa vào khối lượng hàng mua chứ không điều chỉnh cho từng giao dịch trên từng hóa đơn. Vì vậy, nếu trên một tập hóa đơn phải chỉ rõ xuất điều chỉnh cho hóa đơn nào sẽ phát sinh vấn đề về phân bổ giữa các hóa đơn.

“Việc này về bản chất là không có ý nghĩa gì cả, mà chỉ gây phát sinh thêm khối lượng công việc cho các nhà kinh doanh” - đại diện Tập đoàn VNPT nêu.

Đồng thời, đại diện Tập đoàn VNPT đề xuất sửa đổi quy định này như sau: Trường hợp số tiền chiết khấu được xác định sau khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn riêng thể hiện rõ nội dung, số tiền chiết khấu (ghi số âm). Hóa đơn lập cho số tiền chiết khấu được kê khai trong kỳ phát sinh chiết khấu.

Với hóa đơn chiết khấu thương mại, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bổ sung nguyên tắc cho phép DN xuất một hóa đơn chiết khấu (không phải hóa đơn điều chỉnh) và kèm theo bảng kê. Bởi việc quy định số tiền chiết khấu được tạo sau khi kết thúc chương trình chiết khấu thì được lập hóa đơn điều chỉnh sẽ khiến lượng hóa đơn tăng lên đáng kể, làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho DN.

Lý do được nêu ra: Chiết khấu là chính sách kinh doanh thông thường được pháp luật thừa nhận, không phải là sai sót hóa đơn cần phải điều chỉnh. Hơn nữa, nếu theo quy định trong dự thảo thì còn phát sinh thêm thủ tục kê khai, điều chỉnh thuế của người bán và người mua cho các kỳ liên quan; phát sinh tiền chậm nộp của người mua cho các kỳ chiết khấu liên quan.

Bà Trần Thị Hải Vân, đại diện Tập đoàn Massan, cũng nhận xét: Việc điều chỉnh các hóa đơn đã lập cần được xác định là những hóa đơn nào, mã hàng hóa nào... Điều này tạo áp lực cho các DN, nhất là đối với những công ty phân phối và có nhiều chương trình chiết khấu cho từng mặt hàng khác nhau vì tạo ra số lượng hóa đơn điều chỉnh rất lớn. Hơn nữa, việc kê khai những hóa đơn điều chỉnh này có thể dẫn đến sự khác biệt ghi nhận kế toán cũng như hạch toán và kê khai, tạo nên những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

“Chúng tôi đề xuất đối với những trường hợp chiết khấu, chỉ xuất một hóa đơn chiết khấu thôi và không cần xuất hóa đơn điều chỉnh cho từng hóa đơn trước đây. Ví dụ, chương trình chiết khấu kéo dài cả năm thì hóa đơn chiết khấu sẽ liên quan đến tất cả hóa đơn xuất trong năm” - bà Vân nói, đồng thời đề nghị kê khai hóa đơn chiết khấu chỉ tính tại thời điểm lập hóa đơn chiết khấu thôi chứ không quay lại các kỳ trước nữa.

Thay đổi rất lớn về trường hợp trả lại hàng

Về quy định xuất hóa đơn đối với trường hợp trả lại hàng hóa tại dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 cũng nhận được nhiều góp ý của DN. Dự thảo quy định: Trừ trường hợp hàng hóa là tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, trường hợp người mua trả lại hàng hóa thì người bán thực hiện hủy (nếu trả lại toàn bộ) hoặc điều chỉnh giảm nếu trả lại một phần.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, đại diện một công ty may mặc, cho biết quy định này khác biệt rất lớn với quy định cũ từ trước tới nay, đó là bên nào giữ hàng thì bên đó xuất hóa đơn, tức bên mua (đang giữ hàng) khi trả lại hàng thì xuất hóa đơn hàng bán trả lại.

Việc thay đổi quy định trên sẽ dẫn tới phải thay đổi rất lớn về hệ thống xuất hóa đơn của nhiều công ty, đặc biệt là các công ty có hệ thống xuất hóa đơn liên kết với dữ liệu kho hàng.

“Tôi đề xuất dự thảo nghị định nên có hai lựa chọn trong trường hợp này để tạo điều kiện cho người kinh doanh. Thứ nhất, trường hợp bên mua có thể tự xuất hóa đơn, khi trả lại hàng thì bên mua là bên xuất hóa đơn. Trường hợp bên mua không thể tự xuất hóa đơn (ví dụ người mua là cá nhân), khi nhận hàng trả lại thì bên bán xuất hóa đơn điều chỉnh” - ông Mạnh góp ý.

Phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng quy định về việc xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp trả lại hàng hóa gây ra khó khăn cho DN. Việc quy định nhiều hình thức xử lý khác nhau khi trả lại hàng là không cần thiết. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cho phép được kê khai vào kỳ phát sinh việc trả hàng.

Sẽ cân nhắc thêm

Đối với trường hợp lập hóa đơn chiết khấu thương mại, chúng tôi đã đưa vào dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 những quy định về việc một hóa đơn được lập cho nhiều hóa đơn. Khi lập hóa đơn chiết khấu thương mại tức là sẽ phải điều chỉnh cho nhiều hóa đơn trước đó. Tại dự thảo cũng dự kiến quy định một nội dung là một hóa đơn cho các hóa đơn trước đó. Chúng tôi đưa vào nguyên tắc như vậy, đề nghị các DN xem kỹ thêm.

Nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc khai thuế đối với các hóa đơn điều chỉnh, thay thế hoặc một số trường hợp chiết khấu thương mại. Vì vậy, liên quan đến dự thảo sửa đổi nghị định về hóa đơn, chứng từ và các nội dung đề xuất liên quan đến việc khai thuế, chúng tôi sẽ cần cân nhắc thêm và nghiên cứu xem cần đặt ở văn bản nào cho phù hợp.

Bà PHẠM THỊ MINH HIỀN, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế)

CHÂN LUẬN - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/lo-quy-dinh-moi-ve-hoa-don-de-them-thu-tuc-chi-phi-post765605.html