Lo rủi ro, người Việt Nam thích giữ vàng miếng nhất thế giới

Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Nhưng tỷ lệ tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng so với GDP ở Việt Nam lại gấp đôi 2 quốc gia này.

Mức độ “ưa thích giữ vàng” khá cao

Mặc dù đã cho thấy sự sụt giảm rõ rệt, nhu cầu về vàng miếng có xu hướng gia tăng trở lại, do người dân mua vàng miếng nhằm mục đích nắm giữ, phòng ngừa rủi ro trước những biến động của kinh tế và giá vàng thế giới. Theo quan sát và nghiên cứu của GS.TS. Trần Thọ Đạt - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia: So với các quốc gia khác ở châu Á, thu nhập bình quân của Việt Nam xếp vào hàng thấp nhất, nhưng tiêu thụ vàng trên đầu người lại ở ngưỡng trung bình.

“Mặc dù đã giảm đáng kể, mức độ “ưa thích giữ vàng” ở Việt Nam vẫn còn khá cao khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực” - vị giáo sư này nói. Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia có nhu cầu về vàng đứng đầu của thế giới, nhưng chủ yếu là vàng trang sức. Trong tổng nhu cầu vàng, tỷ lệ nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ là 72% và ở Trung Quốc là 78%.

Nhu cầu tiêu thụ vàng bình quân của Việt Nam xấp xỉ hai quốc gia này, nhưng nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng cầu vàng vật chất. Tỷ lệ tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng so với GDP ở Việt Nam lại cao hơn hẳn, gấp hai lần Ấn Độ và gấp 10 lần Trung Quốc. Nguyên nhân là do phần lớn tiêu thụ vàng ở Việt Nam được sử dụng với mục đích đầu tư, để phòng người rủi ro, nên nắm giữ dưới dạng vàng miếng - theo GS. Đạt.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho hay: Nghiên cứu về người tiêu dùng của Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam cho thấy 81% nhà đầu tư tại Việt Nam cảm thấy vàng khiến họ an tâm về lâu dài và 79% tin rằng vàng là biện pháp bảo vệ tốt trước lạm phát và biến động tiền tệ.

Trước những biến động về giá vàng và sự “sôi sục” mua vàng miếng ở các tiệm vàng, và những giải pháp quản lý thị trường này như tung vàng ra đấu thầu, thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng. Các chuyên gia cho rằng đó chỉ là biện pháp tức thời. Muốn để thị trường vàng ổn định, không để nhập lậu vàng gia tăng, giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao với giá thế giới, các chuyên gia nhấn mạnh: Cần sửa Nghị định 24/NĐ-CP/2012.

Nghị định 24 đã đạt được kì vọng đề ra là giúp bình ổn thị trường vàng trong nước ngay cả khi giá vàng thế giới biến động mạnh, bên cạnh đó, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã được đẩy lùi. Nhưng sau 10 năm, đến nay bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, một số nội dung của Nghị định 24 cần được xem xét lại và có những điều chỉnh cần thiết.

Nghị định 24 đang quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ bằng công cụ hành chính, mệnh lệnh – đây là cách dễ nhưng nhiều chuyên gia đều cho rằng, nó đã không còn phù hợp. Cho dù Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng liên tục có các chỉ đạo, đã họp nhiều cuộc họp bàn chuyển quản thị trường này, ổn định giá. Ngân hàng Nhà nước đã 8 lần tung vàng ra qua các phiên đấu thầu. Nhưng giá vàng miếng, đặc biệt là giá vàng miếng SJC vẫn ở mức cao, chênh lệch với giá vàng thế giới đã giảm nhưng vẫn chênh tới 17 triệu đồng mỗi lượng.

Mệnh lệnh hành chính, một mình một chợ

Nên để thị trường vàng vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế để thị trường vàng phát triển lành mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhưng đây là một vấn đề không hề dễ đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

“Nhà quản lý đang có sự e ngại bởi nếu thay đổi theo quy luật của cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, mà quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn”, GS. Đạt cho hay. Đã đến lúc thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Quản lý chặt với mục tiêu giữ ổn định thị trường vàng vẫn là hướng đi đúng nhưng việc quản lý chặt không có nghĩa là hành chính, mệnh lệnh.

Cũng cùng quan điểm, PGS.TS. Ngô Trí Long phát biểu: “Chúng ta đang điều tiết thị trường vàng bằng hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp,..) mà bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường dẫn đến bế tắc trong lưu thông”. Theo PGS. Ngô Trí Long, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới.

 Sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP là cần thiết để siết chặt quản lý thị trường vàng. Ảnh: Quang Hùng

Sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP là cần thiết để siết chặt quản lý thị trường vàng. Ảnh: Quang Hùng

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị định 24 cần phải đề cập toàn diện hơn về các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức. Đồng thời cần có chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế. Thị trường vàng cần trở thành một cấu thành của thị trường tài chính.

Nội dung quan trọng khi sửa Nghị định 24 mà nhiều chuyên gia đề nghị đó là Nhà nước không nên tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng nữa và cho phép nhập khẩu vàng để bắt kịp với xu hướng tự do hóa thị trường vàng đang khá phổ biến trong khu vực. Vàng nguyên liệu đầu vào cũng là một rào cản lớn mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt, hiện tại các doanh nghiệp chỉ có thể nhập khẩu nếu được cấp phép. Trên thực tế, nhu cầu mua vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước phục vụ sản xuất trang sức, mỹ nghệ vào khoảng hơn 20 tấn một năm.

Sở hữu vàng với tư cách là một loại tài sản ở mức giá phù hợp khi so với giá vàng thế giới là nguyện vọng chính đáng của người dân nên cần được bảo vệ. Vì vậy, nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân. Phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,...) trên một Trung tâm giao dịch tập trung, ví dụ Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn…

Bên cạnh đó phải thúc đẩy ngành vàng trang sức phát triển. Ngành vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được chú trọng phát triển. Quy mô thị trường xuất khẩu vàng mỹ nghệ của các nước như Indonesia, Singapore và Thái Lan lần lượt vượt ngưỡng 6 tỷ, 8 tỷ và 10 tỷ USD. Nhưng số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 2 tỷ USD vàng trang sức mỹ nghệ.

Nên đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, bởi lẽ vàng trang sức - mỹ nghệ là hàng hóa bình thường. Và cũng nên đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây, để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ, đồng thời tăng việc làm cho người lao động, vì các nước ASEAN cũng đều đang áp thuế 0%.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lo-rui-ro-nguoi-viet-nam-thich-giu-vang-mieng-nhat-the-gioi-post297390.html