Lo sách cho trò nghèo

Từ nhiều nguồn hỗ trợ, các trường học đã mua sách giáo khoa hỗ trợ học sinh khó khăn nhằm đảm bảo các em không phải học chay.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) mua sách giáo khoa từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm để xây dựng ngân hàng sách dùng chung. Ảnh: NTCC

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) mua sách giáo khoa từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm để xây dựng ngân hàng sách dùng chung. Ảnh: NTCC

Mua lại sách giáo khoa cũ

Trước ngày bế giảng năm học 2023 – 2024, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) được thông báo nhà trường thu mua sách giáo khoa đã qua sử dụng. Tùy vào độ mới của sách giáo khoa, học sinh sẽ nhận lại được một khoản tiền trị giá từ 40 - 70% giá bìa. Nguồn sách này được bổ sung vào thư viện nhà trường, đồng thời cho học sinh mượn trong năm học mới.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi tiến hành mua lại sách giáo khoa cũ của học sinh từ 2 năm nay. Năm đầu tiên, số sách nhận không đáng kể. Nhưng năm vừa rồi, thư viện nhà trường được bổ sung khoảng 60 bộ sách giáo khoa từ nguồn này. Cùng với triển khai chương trình mua lại sách giáo khoa, các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng hướng dẫn, nhắc nhở các em không viết vẽ bậy vào sách, giữ gìn sách vở sạch đẹp, không làm quăn góc, sờn mép...”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi) đã thống kê danh sách học sinh lớp 5 và lớp 9 để đặt mua sách giáo khoa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường. Học sinh các khối lớp còn lại sẽ được mượn sách từ thư viện. Sau khi bế giảng, học sinh sẽ trả lại cho thư viện thông qua giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường sẽ thống kê để mua bổ sung số sách bị thất thoát, hư hỏng.

Ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: “Học sinh là con em đồng bào dân tộc vẫn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua sắm đồ dùng học tập, sách giáo khoa theo quy định.

Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều không có thói quen mua sách giáo khoa cho con em mình vì lâu nay được mượn rồi. Vì vậy, để học sinh không phải học chay, Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường chủ động dùng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đã được cấp từ đầu năm để mua sắm sách giáo khoa nhập vào thư viện cho học sinh mượn”.

Thầy Huỳnh Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Sơn Bua cho biết: “Hệ số sử dụng lại sách giáo khoa khoảng 3 - 4 năm học, tùy theo mức độ bảo quản của học sinh và nhà trường. Điều thuận lợi là nhiều thầy cô đã chủ động xin sách giáo khoa đã qua sử dụng để bổ sung nguồn sách dùng chung của thư viện. Vì thế, số sách giáo khoa phải mua mới để bổ sung hàng năm khoảng từ 10 - 15%”.

 Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đọc sách trong giờ ra chơi. Ảnh: NTCC

Ràng buộc trách nhiệm, giáo dục ý thức

Công việc những ngày cuối năm học của cô Võ Thị Mỹ Lương - nhân viên thư viện Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) là rà soát lại số lượng, tình trạng sách giáo khoa so với bản đăng ký mượn sách từ đầu năm học.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do địa bàn trường không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên chỉ có một số ít học sinh được hỗ trợ chi phí mua sắm đồ dùng học tập. Mỗi khối lớp có khoảng 10 - 20 học sinh được phụ huynh mua sắm sách giáo khoa mới hàng năm. Phần lớn còn lại, các em được nhà trường cho mượn sách giáo khoa để sử dụng trong suốt năm học, cuối năm sẽ trả lại cho thư viện trường”.

Với Chương trình GDPT 2018, ngân sách của huyện Nam Trà My sẽ cấp để mua sách một lần cho thư viện để học sinh mượn sử dụng. Do chỉ trang bị một lần nên hàng năm, Trường THCS Trà Mai đều phải trích kinh phí mua sách giáo khoa bổ sung. Nhà trường chủ trương trong kho sách của thư viện, tối thiểu phải có khoảng 10 bộ sách giáo khoa dự phòng của mỗi khối lớp để đảm bảo học sinh không thiếu sách học.

Khi mượn sách, học sinh Trường THCS Trà Mai cam kết phải đền trong trường hợp sách bị mất, hư hỏng… Các em được hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng sách giáo khoa. Tuy nhiên, năm đầu, tỉ lệ sách bị mất, xé rách… khi các em trả sách vào cuối năm vẫn còn cao, khoảng từ 20 - 30%.

Vì vậy, với những trường hợp hư hỏng, mất do chủ quan, nhà trường buộc học sinh đền tiền. Theo thầy Điệp, từ khi áp dụng triệt để quy định này thì số sách thất thoát hàng năm giảm hẳn. Với sách bài tập, nhằm tiết kiệm kinh phí mua sắm, Trường THCS Trà Mai cho học sinh dùng bản photocopy để các em có thể viết vào.

Mỗi năm, các trường vùng núi cao như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam, Trường THCS Trà Mai tiếp nhận khoảng 2 - 3 thùng sách giáo khoa đã qua sử dụng từ các nguồn hỗ trợ. Thầy Điệp cho biết: “Mỗi địa phương có sự lựa chọn sách giáo khoa khác nhau nên gần như số sách được tặng cũng phải lọc lại. Tuy nhiên, nhà trường vẫn bổ sung lượng sách này vào thư viện để thầy, cô giáo có thể tham khảo trong khi sử dụng ngữ liệu”.

Từ chương trình Đổi cây lấy sách cũ của Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã có 40 bộ sách giáo khoa các bậc học, cùng rất nhiều đầu sách khác được tiếp nhận.

Thầy Lê Mạnh Tấn - người sáng lập câu lạc bộ Tình nguyện Hoa phượng đỏ cho biết: Với các bộ sách giáo khoa cấp tiểu học và THCS, chúng tôi gửi tặng cho học sinh đang ở tại Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi Hoa Mai (Đà Nẵng). Số còn lại, câu lạc bộ gửi tặng Trường THPT Nam Trà My để nhà trường chủ động phân bổ.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lo-sach-cho-tro-ngheo-post697008.html