Lo sạt lở, Đồng Tháp kiến nghị không nâng công suất khai thác mỏ cát làm cao tốc

Bờ sông Tiền có nguy cơ sạt lở rất cao nên Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp kiến nghị không nâng công suất khai thác đối với các mỏ cát theo cơ chế đặc thù cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau.

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp đến nay, 7 dự án khai thác cát theo cơ chế đặc thù cung ứng cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Trong tháng 3-2024, Dự án Xây dựng công trình khai thác khoáng sản cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, của Tổng Công ty xây dựng số 1-CTCP và 4 dự án.

Đó là: Dự án ĐTXD công trình mỏ cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Dự án ĐTXD công trình mỏ cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, của Công ty CP Xây dựng Tân Nam; Dự án Khai thác cát trên sông Tiền thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Anh và Dự án ĐTXD công trình Mỏ cát trên sông Tiền, đoạn thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự của Công ty CP Hải Đăng) đều có hồ sơ xin điều chỉnh nâng công suất.

Tuy nhiên sau khi rà soát, kiểm tra yêu cầu các nhà thầu thực hiện hoàn thành các nội dung sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Sở TN&MT cùng với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và các sở ngành liên quan đã thống nhất không đồng ý nâng công suất đối với 3 dự án thuộc xã Tân Mỹ, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.

Bởi 3 dự án nêu trên chỉ chạy mô hình thủy lực riêng lẻ cho từng dự án, không chạy mô hình thủy lực cho cả khu vực nên chưa đủ cơ sở đánh giá toàn diện việc tăng công suất đối với 3 dự án đến lòng bờ, bãi sông cả khu vực. Đồng giờ, thời gian chạy mô hình khoảng 1-2 tháng sau mới có kết quả chạy mô hình chính xác. Khi có kết quả chạy mô hình thì quá thời điểm để nâng công suất theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

 Một đoạn sạt lở bờ sông Tiền nằm trong khu vực dự án Khai thác cát thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Anh

Một đoạn sạt lở bờ sông Tiền nằm trong khu vực dự án Khai thác cát thuộc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Anh

 Một trong các lý do Sở TT&MT Đồng Tháp và các đơn vị liên quan không thống nhất nâng công suất khai thác tại các mỏ cát theo cơ chế đặc thù là tình trạng sạt lở bờ sông Tiền

Một trong các lý do Sở TT&MT Đồng Tháp và các đơn vị liên quan không thống nhất nâng công suất khai thác tại các mỏ cát theo cơ chế đặc thù là tình trạng sạt lở bờ sông Tiền

Bên cạnh đó, đường bờ sông Tiền thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đã xảy ra hiện tượng sạt lở vào năm 2017. Hiện tại, người dân rất lo lắng việc sạt lở, đặc biệt trong tháng 4-2023 tiếp tục xảy ra sạt lở khu vực cồn Ông xã Tân Khánh Trung với chiều dài 15m (khu vực khai thác của Công ty Hoàng Anh). Còn đường bờ khu vực xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cũng đã diễn ra hiện tượng sạt lở mạnh vào tháng 11-2023 làm mất hơn 1 ha đất. Do đó các ngành và địa phương không thống nhất việc nâng công suất các đối với 3 dự án trên.

Đối với mỏ cát thuộc Công ty Tân Nam, kết quả kiểm tra mức sâu, trong khu mỏ có 08/27 điểm khảo sát sâu cục bộ, đạt cao trình cho phép khai thác (-17m).

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, có thể xem xét nâng công suất khai thác khi đủ điều kiện và cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh mô hình thủy lực theo ý kiến góp ý của Viện kỹ thuật Biển đối với 02 dự án thuộc xã Phú Thuận B và thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự. Tuy nhiên các đơn vị cần phải bổ sung đầy đủ số liệu đầu vào (địa hình, bùn cát, biên hiệu chỉnh, kiểm định) bởi hầu hết các báo cáo còn thiếu nguồn thu thập, số liệu cũ, hoặc cung cấp chưa rõ ràng trong báo cáo mà đây là những số liệu quyết định để đánh giá mô hình.

Bên cạnh đó, theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, do chưa khai báo các kịch bản tăng công suất khai thác cát và các kịch bản khai thác cát trong mô hình thể hiện như thế trong báo cáo, nên không thể kết luận mô hình có phù hợp chưa; Kỹ thuật sử dụng để mô phỏng cần phải làm rõ hơn các bước hiệu chỉnh, kiểm định để bảo đảm độ tin cậy của mô hình, đặc biệt là các thông số liên quan đến bùn cát.

 Phía thượng nguồn sông Tiền so với khu vực sạt lở ở trên có 1 đoạn khoảng 12 m có dấu hiệu rạn nứt (trước đây đã xuất hiện, đơn vị thi công lộ đan đã xử lý, khắc phục).

Phía thượng nguồn sông Tiền so với khu vực sạt lở ở trên có 1 đoạn khoảng 12 m có dấu hiệu rạn nứt (trước đây đã xuất hiện, đơn vị thi công lộ đan đã xử lý, khắc phục).

Còn dự khai thác của Tổng Công ty xây dựng số 1-CTCP và Công ty Cổ phần Hải Đăng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung mô hình thủy lực theo ý kiến góp ý của Viện Kỹ thuật Biển. Đồng thời, theo tính toán với khối lượng khai thác hàng ngày như hiện nay đến hết tháng 11- 2024 có 06/07 mỏ khai thác xong trữ lượng đã cấp (riêng mỏ cát của Công ty Hoàng Anh khai thác đến tháng 3-2025). Do đó việc tăng công suất để rút ngắn thời gian khai thác từ 2-3 tháng cũng không có ý nghĩa nhiều đến việc rút ngắn thời gian thi công cao tốc.

Đặc biệt, Sở TN&MT đánh giá trong điều kiện hiện nay tốc độ bồi lắng dòng sông rất chậm, gia tăng nhiều rủi ro và gây áp lực rất lớn đến việc thay đổi dòng chảy, địa hình đáy sông. Đồng thời biến đổi lòng sông Tiền diễn biến rất phức tạp khó có thể dự báo, tính toán chính xác việc tăng công suất có ảnh hưởng đến 2 bờ sông khu vực khai thác và có nguy cơ sạt lở rất cao đối với 2 bờ sông khu vực khai thác.

Do đó Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh không xem xét tăng công suất khai thác đối với các dự án khai thác cát theo cơ chế đặc thù cung ứng cho cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (tiếp tục khai thác theo phương án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường).

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lo-sat-lo-dong-thap-kien-nghi-khong-nang-cong-suat-khai-thac-mo-cat-lam-cao-toc-post795375.html