Lo sâu cuốn lá nhỏ phá hại cuối vụ, nông dân Hà Tĩnh 'tức tốc' phòng trừ
Khoảng gần 1 tháng trước, sâu cuốn lá nhỏ đã 'ghé thăm' lúa xuân ở Hà Tĩnh. Theo ngành chuyên môn, dù mức độ gây hại thấp nhưng sự xuất hiện sớm đã 'tạo nguồn' cho sâu phát sinh gây hại, nhất là đối với lứa sâu 'nở rộ' kể từ 15/4 trở đi…
Sâu cuốn lá nhỏ gây hại sớm trên lúa xuân khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Quá trình điều tra đồng ruộng cho thấy, sâu cuốn lá nhỏ đã bắt đầu vào nhộng từ ngày 7 - 8/4, với mật độ từ 8 - 10 con/m2, nơi cao 12 - 15 con/m2. Theo đó, lứa sâu tiếp theo sẽ “nở rộ” từ 15/4 trở đi, tập trung gây hại vào trà lúa xuân muộn. Đây cũng chính là cao điểm phòng trừ hiệu quả nhất, bởi nếu gây hại nặng ở giai đoạn trổ bông sẽ thiệt hại về năng suất”.
Cũng theo cơ quan chuyên môn, năm nay, sâu cuốn lá nhỏ có hiện tượng xuất hiện sớm hơn so với các năm trước. Đặc biệt, chúng có thể phát sinh cả ở nhiệt độ thời tiết không thích hợp từ 21 - 22 độ C (thông thường, nhiệt độ phù hợp cho sâu cuốn lá nhỏ phát triển là từ 25 - 29 độ C).
Bà con nông dân xã Thạch Văn, Thạch Hà phun phòng lần thứ 2 trừ sâu cuốn lá nhỏ
Ông Phan Trọng Hoát ở thôn Bắc Văn, Thạch Văn (Thạch Hà) cho biết: “Nhà tôi làm 6 sào, từ nửa cuối tháng 3, ruộng lúa đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ. Lá bị cuốn dọc như cái bao, đầu lá bị “ăn” trắng. Để phòng trừ, tôi tranh thủ phun thuốc sớm hơn vì nếu bị tấn công thì lúa không thể phục hồi được nữa”.
Môi trường thích hợp nhất cho sâu cuốn lá nhỏ vẫn là những đồng ruộng sâu trũng. Năm nay, sâu không chỉ xuất hiện sớm mà còn phân bố rộng ở nhiều địa phương như: Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Khê (Thạch Hà), Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Quang (Cẩm Xuyên), Thịnh Lộc, Bình An, Tân Lộc (Lộc Hà); Cổ Đạm, Xuân Liên, Xuân Lam, Xuân Hồng (Nghi Xuân), Phú Phong, Phúc Trạch (Hương Khê), Kỳ Trinh, Hưng Trí, Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh).
Năm nay, sâu rải lứa, xen gối lứa khiến cho công tác phòng trừ cũng khó khăn hơn
Điều đáng nói, sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng vùng, từng địa phương, khiến cho công tác phòng trừ của bà con nông dân thêm phần khó.
Bà Nguyễn Thị Hường ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân) cho biết: “Lứa sâu non đã bắt đầu xuất hiện, dù thời điểm này chúng chưa gây hại nhưng từ nay trở đi sẽ là giai đoạn quyết định năng suất của lúa nên không thể lơ là. Tôi vừa kết hợp phun thuốc ở những ruộng nhiễm, vừa bắt thủ công bướm vũ hóa, sâu trưởng thành để ngăn quá trình vào nhộng cho lứa tiếp theo”.
Biểu hiện cây lúa bị gây hại là cuốn dọc lá, khiến đầu lá bị khô trắng và gây thiệt hại năng suất đối với giai đoạn đòng già - trổ bông
Hiện tại, Hà Tĩnh có khoảng gần 20.000 ha lúa trổ bông sau 15/4, đây sẽ là mục tiêu tấn công cao nhất của sâu cuốn lá nhỏ từ nay đến cuối vụ.
Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, thời điểm phòng trừ tốt nhất là vào giai đoạn sâu non tuổi 1, tuổi 2. Các địa phương cần bám sát đồng ruộng, xác định chính xác thời điểm sâu non nở rộ, mật độ sâu tại các diện tích lúa để quyết định xử lý thuốc có hiệu quả cao nhất.