Video được công bố ngày 9/4 cho thấy một xe tăng chủ lực Nga lắp giáp phủ kín toàn bộ phương tiện, chỉ để chừa phần mặt trước. Kiểu giáp này làm người ta liên tưởng với mai rùa.
Chiếc xe tăng này dẫn đầu mũi xung kích, 3 chiếc xe tăng còn lại thì trang bị giáp lồng trên nóc để chống drone của Ukraine.
Một video khác quay cận cảnh chiếc xe tăng được lắp giáp mai rùa trong gara, cùng với bộ lưỡi cày phía trước, cho thấy phương tiện này nhiều khả năng được sử dụng để rà phá bom mìn.
Hoạt động rà phá bom mìn buộc thiết giáp dẫn đầu đoàn xe phải di chuyển với tốc độ chậm, khiến nó trở thành mục tiêu hàng đầu của drone đối phương và đây là lý do Nga lắp "giáp mai rùa" cho xe.
"Chưa có nhiều thông tin về loại giáp này cũng như mẫu xe tăng được lắp. Tuy nhiên, giáp mai rùa bao phủ gần như toàn bộ xe tăng và hạn chế đáng kể năng lực nhận thức tình huống, phạm vi bắn và khả năng cơ động của phương tiện", biên tập viên Tyler Rogoway của TWZ nhận định.
"Giáp mai rùa" được ví như bản nâng cấp cao nhất của giáp lồng trước đây được phát triển khi mà drone ngày càng phổ biến trên chiến trường.
Việc lắp giáp lồng ban đầu bị nhiều chuyên gia chỉ trích vì làm cho xe cồng kềnh, kém cơ động đặc biệt với vũ khí thứ cấp là khẩu 12,7mm trên nóc xe.
Tuy nhiên ngay sau đó giới phân tích đều nhận ra rằng, giáp lồng nóc ít nhiều có hiệu quả đối với đòn tấn công bổ nhào từ drone.
Tuy nhiên với việc phát triển drone góc nhìn thứ nhất, loại vũ khí này có thể tấn công chính xác kha kẽ hở của giáp lồng, khiến cho cho xe tăng vẫn bị tiêu diệt, có lẽ vì thế mà giáp kiểu mai rùa phủ kín ra đời.
"Đổi mới diễn ra với tốc độ chóng mặt trong chiến sự. Tình hình xung đột càng khốc liệt, thử nghiệm càng được đẩy nhanh. Một số có thể mang tính cách mạng, số khác có thể dần dần thành công song phần lớn là thất bại", biên tập viên Tyler Rogoway cho biết.
Cả Nga lẫn Ukraine đều đang tung vào chiến trường những chiếc máy drone đủ chủng loại, kích thước.
Chưa bao giờ drone được sử dụng nhiều như thế trong một cuộc chiến như tại Ukraine hiện nay.
Ồn ào nhưng hiệu quả, những chiếc drone cảm tử mà quân đội Nga đang sử dụng tại Ukraine đã được đặt cho biệt danh "máy cắt cỏ biết bay của thần chết".
Đối với Nga, những chiếc drone này là lựa chọn rẻ tiền thay cho các tên lửa hành trình có độ chính xác cao.
Ở chiều ngược lại, từ khoảng cách hàng ngàn cây số, các binh sĩ Ukraine đã điều khiển những chiếc drone nhắm tới các mục tiêu trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.
Drone rất đa dạng, từ loại nhỏ chỉ bay được vài chục cây số và thả một thiết bị nổ vài trăm gram cho tới loại lớn chứa hàng chục cân thuốc nổ.
Số lượng drone và cách sử dụng chúng trong xung đột tại Ukraine phản ánh một sự thay đổi trong công nghiệp quốc phòng thế giới.
Drone sử dụng trong quân sự cũng có thể là sản phẩm tự lắp ghép từ các sản phẩm thương mại. Có thể nói, sự xuất hiện của drone đã và đang tác động rất lớn đến cục diện chiến trường.
Trước đây, những tiến bộ quân sự với vũ khí mang tính cách mạnh có xu hướng xuất hiện từ các tổ hợp công nghiệp - quân sự của các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nga...
Nhưng ngày nay, chúng lại có thể đến từ các công ty khởi nghiệp tư nhân hay các quốc gia mới nổi, như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không phải là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn trong lịch sử.
Giới chuyên gia quân sự từ lâu đã cảnh báo về việc sử dụng drone với số lượng lớn để cùng tập kích vào một mục tiêu, hay còn gọi là chiến thuật "bầy drone" có thể là chiến lược mới trong tác chiến hiện đại.