Lo 'sốt vó' với vi phạm công bố thông tin
Có doanh nghiệp 'lờ tịt' việc công bố báo cáo quản trị, có nơi lại xóa sạch kho dữ liệu khiến cổ đông bức xúc.
Từ gần một tháng nay, một số cổ đông của CTCP Máy – Thiết bị dầu khí (mã PVM, sàn UPCoM) phát hiện mục “Quan hệ cổ đông” trên website Công ty rơi vào tình trạng “trống trơn”. Toàn bộ dữ liệu thông tin như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông… của những năm qua đã biến mất. Đến ngày 22/1, trong mục này chỉ xuất hiện mỗi báo cáo tài chính quý IV/2020.
Việc Công ty không cập nhật tình hình kinh doanh, thậm chí tài liệu bị “xóa sạch” khiến cổ đông bức xúc vì gần đây, cổ phiếu này liên tục biến động mạnh nhờ đồn đoán về việc cổ đông nhà nước là PVPower (sở hữu 51% vốn điều lệ tại PVM) chuẩn bị thoái vốn. Một số cổ đông cho biết, vừa qua, cổ đông nội bộ của PVM là Bảo Việt Nhân thọ bán ra cổ phiếu nhưng trước khi bán cũng không công bố thông tin.
Gần một tháng nay, mục “Quan hệ cổ đông” trên website CTCP Máy-thiết bị dầu khí rơi vào tình trạng “trống trơn”.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Lê Ngọc Sơn, Tổng giám đốc PVM, song số điện thoại không liên lạc được.
Còn tại website của CTCP Xi măng Quán Triều VVMI (mã CQT, sàn UPCoM) cũng chỉ công bố báo cáo tài chính và báo cáo thường niên hàng năm, hoàn toàn vắng bóng dữ liệu về báo cáo tình hình quản trị công ty các năm trước.
Theo quy định tại Điều 11, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng quy mô lớn (tức có vốn góp của chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên tại báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán) định kỳ 6 tháng và hàng năm phải công bố thông tin về báo cáo tình hình quản trị công ty. Báo cáo tài chính năm 2019 thể hiện CQT có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, số lượng 629 cổ đông, thuộc loại hình công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin định kỳ.
Tương tự, CTCP Cấp nước Đồng Nai (Dawaco, mã DNW, giao dịch UPCoM) có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với số lượng 728 cổ đông trong nước, nhưng trong năm 2020, Công ty không cập nhật báo cáo tình hình quản trị.
Những lỗi vi phạm công bố thông tin xảy ra rất phổ biến trên thị trường chứng khoán. Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng cho biết, năm 2020, Thanh tra chứng khoán đã ban hành 380 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó chiếm chủ yếu là vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin.
Đơn cử như Thanh tra chứng khoán xử phạt 50 triệu đồng với CTCP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên do báo cáo không đúng thời hạn Báo cáo thường niên năm 2018, Nghị quyết và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán…
Hoặc CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (mã PPI, sàn UPCoM) bị phạt tiền 85 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính quý IV/2018 so với báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán về các chỉ tiêu như dự phòng các khoản phải thu, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp…
Từ đầu năm 2021, công ty đại chúng phải công bố thông tin theo hướng dẫn mới quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Nếu theo như quy định cũ (Thông tư 155), công ty đại chúng quy mô lớn mới phải báo cáo tình hình quản trị công ty thì Thông tư 96 yêu cầu tất cả công ty đại chúng phải thực hiện nội dung này.
Ngoài ra, công ty đại chúng sẽ không được gia hạn công bố báo cáo kiểm toán năm, mà phải công bố trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Đối với báo cáo thường niên, công ty đại chúng phải công bố sau báo cáo tài chính kiểm toán năm 20 ngày, nhưng không vượt quá 110 ngày (Thông tư 115 là không vượt quá 120 ngày) kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Công ty đại chúng phải công bố thông tin họp ĐHĐCĐ tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc ĐHĐCĐ, thay vì 10 ngày trước đó...
Với quy định cũ, tình trạng vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin đã diễn ra rất phổ biến. Không biết rồi tới đây, khi nghĩa vụ công bố thông tin cao hơn, mức độ tuân thủ của các công ty sẽ ra sao.
Để tránh tình trạng “nhờn luật”, doanh nghiệp cứ vi phạm rồi giải trình do “sơ suất, không nắm rõ quy định”, thiết nghĩ cơ quan quản lý, cụ thể là UBCK cần có các chế tài, biện pháp đủ tính răn đe với các doanh nghiệp vi phạm.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lo-sot-vo-voi-vi-pham-cong-bo-thong-tin-post260644.html