Lỗ thủng tầng ozone khép dần nhờ giảm lượng khí thải CFC
Dữ liệu mới vừa công bố cho thấy, lượng khí thải CFC-11 phá hủy tầng ozone giảm thời gian gần đây giúp cho lỗ thủng tầng ozone đang dần thu hẹp lại.
Dữ liệu mới vừa công bố cho thấy, lượng khí thải CFC-11 phá hủy tầng ozone giảm thời gian gần đây giúp cho lỗ thủng tầng ozone đang dần thu hẹp lại.
Theo hai bài báo trên tạp chí Nature ngày 10-2, đây là thành công của những nỗ lực để kiểm soát lượng phát thải trichlorofluoromethane, còn gọi là CFC-11.
Năm 1973, hai nhà khoa học Sherwood Rowland và Mario Molina cung cấp bằng chứng cho thấy có một số hóa chất nhân tạo đe dọa tầng ozone và do đó đe dọa hầu hết sự sống trên Trái đất, trong đó CFC-11 là thủ phạm chính.
Mặc dù rất hữu ích cho việc làm lạnh và mở rộng bọt cách nhiệt, CFC-11 phân hủy trong khí quyển thành các chất hóa học tách các phân tử ozone ra, biến chúng thành oxy thông thường. Ozone ở tầng bình lưu giúp chặn hầu như tất cả bức xạ cực tím tần số trung bình có thể gây ung thư da cho người và động vật, làm cho cây cối héo úa.
Vào năm 2010, Nghị định thư Montreal đã cấm sản xuất CFC-11. Nhưng từ năm 2014 đến năm 2017, lượng khí thải này vẫn tăng một cách bất ngờ. Khoảng một nửa trong số lượng phát thải này là từ miền đông Trung Quốc.
Theo hai báo cáo trực tuyến trên tạp chí Nature, hiện tại, dữ liệu khí quyển cho thấy lượng khí thải CFC-11 toàn cầu trong năm 2019 đã giảm xuống mức trung bình được thấy từ năm 2008 đến năm 2012 và khoảng 60% của sự sụt giảm đó là do giảm lượng khí thải ở miền đông Trung Quốc.
Những phát hiện này cho thấy lỗ thủng trong tầng ozone của Trái đất vẫn đang trên đà đóng lại trong vòng 50 năm tới.
Nhóm thứ nhất do nhà hóa học khí quyển Stephen Montzka, Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Mỹ và các đồng nghiệp thực hiện, đã phân tích nồng độ CFC-11, được sử dụng để tạo bọt cách nhiệt cho các tòa nhà và thiết bị gia dụng, trong không khí trên các trạm quan trắc khí quyển trên toàn cầu. Các nhà khoa học phát hiện ra, thế giới đã thải ra khoảng 52.000 tấn CFC-11 trong năm 2019, giảm mạnh so với mức trung bình hàng năm là 69.000 tấn từ năm 2014 đến 2018. Lượng phát thải năm 2019 tương đương với mức phát thải trung bình hàng năm từ năm 2008 đến 2012.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các kết quả đo mới này cho thấy việc sản xuất CFC-11 bất hợp pháp đã giảm đáng kể trong vài năm qua, có thể là nhờ việc thực thi quy định chặt chẽ hơn.
Nhóm nghiên cứu thứ hai do nhà địa hóa học Sunyoung Park, Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu, Hàn Quốc dẫn đầu xác nhận lượng khí thải từ miền đông Trung Quốc đã giảm bớt kể từ năm 2018 bằng cách phân tích các mẫu không khí từ Hateruma, Nhật Bản và Gosan, Hàn Quốc. Khu vực này đã thải ra khoảng 5.000 tấn CFC-11 vào năm 2019, ít hơn khoảng 10.000 tấn so với mức phát thải trung bình hàng năm từ năm 2014 đến năm 2017 và tương đương với mức trung bình từ năm 2008 đến 2012.
Tiến sĩ Luke Western, Đại học Bristol, đồng tác giả của một trong hai bài báo cho rằng: “Những phát hiện này là một tin rất đáng hoan nghênh và hy vọng đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ đáng lo ngại. Vì CFC-11 cũng là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, nên lượng khí thải này đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu ở mức tương tự như lượng khí thải carbon dioxide của một siêu đô thị".
Tuy nhiên, bài báo của Weston lưu ý rằng, có khả năng một số sản phẩm chứa CFC-11 được sản xuất trong giai đoạn 2013-2017 vẫn tồn tại và có thể gây nguy hiểm cho bầu khí quyển nếu cuối cùng được sử dụng.