Lỗ tiên tiếp SMC muốn phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo đó, 2 năm liên tiếp doanh nghiệp này đã lỗ hàng trăm tỷ đồng.
2 năm liên tiếp thua lỗ
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.701 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 925,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, công ty thua lỗ 651 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2023 âm 693,2 tỷ đồng. Trong khi năm 2022 có lãi 137 triệu đồng.
Cụ thể, năm 2022, SMC ghi nhận doanh thu đạt 23.152 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ song lợi nhuận thuần sau thuế lại âm 645 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 901 tỷ đồng lãi trong năm 2021. Điều này hoàn toàn tương phản với năm bùng nổ trước đó với mức lãi kỷ lục 874 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của SMC đạt 8.339 tỷ đồng, giảm 670 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó tồn kho chiếm 1.573 tỷ đồng, giảm tới 710 tỷ đồng so với cuối quý trước.
Nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2022 là hơn 6.608 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 5.988 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn hơn 2.678 tỷ đồng, tăng hơn 26%; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 2.996 tỷ đồng, giảm hơn 4,6% so với cùng kỳ.
Năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.702 tỷ đồng, hoàn thành 67,7% so với kế hoạch doanh thu 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ tới 925,3 tỷ đồng so với kế hoạch lãi 150 tỷ đồng. Nợ xấu đối với các khoản phải thu tới gần 1.284 tỷ đồng, trong đó đã tích lập dự phòng gần 574 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, tính tới cuối năm, Công ty đã giảm 465 nhân sự, tương ứng giảm 33% so với thời điểm cuối năm 2022, về 934 nhân sự.
Với việc tiếp tục lỗ trong năm thứ hai liên tiếp, tính tới 31/12/2023, tổng lỗ lũy kế đã lên tới 162,9 tỷ đồng (đầu năm lãi lũy kế 343,6 tỷ đồng) và bằng 22,1% vốn chủ sở hữu.
Dự kiến bán 73 triệu cổ phần riêng lẻ
Về định hướng kinh doanh, trong năm 2024, SMC tiếp tục chương trình tái cơ cấu toàn hệ thống trên tinh thần tinh gọn, đa nhiệm và linh hoạt; quản trị tồn kho và mua hàng trên nguyên tắc cẩn trọng, phù hợp, linh hoạt, dự trữ tồn kho tối ưu bám sát với diễn biến thị trường; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chú trọng cả về chất và lượng, kết hợp tăng cường quản trị kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ …
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, SMC trình cổ đông không trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông và cũng sẽ không trả cổ tức năm 2024.
Về kế hoạch huy động vốn, SMC trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 730 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, chào bán tối đa 20 nhà đầu tư và triển khai trong năm 2024. Trong đó, số tiền huy động được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay của Công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 736,8 tỷ đồng, lên 1.466,8 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/4 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng đã ra quyết định đưa cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Cùng ngày, HOSE có thêm quyết định đưa cổ phiếu SMC vào diện kiểm soát kể từ ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất trong hai năm gần nhất (2022, 2023) của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định.