Lo tiêu cực, tham nhũng khi TPHCM tổ chức chính quyền đô thị
Tiếp xúc với các Đại biểu HĐND TPHCM, nhiều cử tri lo ngại về việc sắp tới khi thành phố bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường để tổ chức chính quyền đô thị, việc thiếu cơ chế giám sát có thể phát sinh nhiều sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…
Chiều 19/11, Tổ Đại biểu HĐND TPHCM đơn vị 12 đã tiếp xúc cử tri quận 11 trước kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX.
Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri bày tỏ sự quan tâm đến Đề án chính quyền đô thị TPHCM và việc thành lập TP Thủ Đức. Cử tri Đặng Văn Rành (phường 1) lưu ý: Vừa qua, TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính quyền đô thị; trong đó cho phép không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường.
"Vì vậy, TPHCM cần có cơ chế giám sát để chống sai phạm, tiêu cực cũng như để chính quyền gần dân, nghe dân và có trách nhiệm với dân. Cần ban hành quy chế giám sát của HĐND TP đối với UBND TP” – ông Rành kiến nghị.
Đồng tình, cử tri Trần Tương Lai (phường 15) khẳng định: Cử tri hoàn toàn đồng tình với việc thành lập TP Thủ Đức. Việc này tạo động lực phát triển TPHCM theo hướng bền vững, lâu dài hơn.
“Tuy nhiên, TPHCM nên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, liên tục cho đến khi hoàn thành kế hoạch này nếu không sẽ xảy ra tình trạng lệch lạc, tham nhũng” – cử tri Trần Tương Lai cảnh báo.
Đề cập đến chương trình giảm ngập nước, cử tri Trần Tương Lai thắc mắc: “Hiện nay, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành chưa? Có đạt hiệu quả không? Vì sao TPHCM vẫn bị ngập do mưa lớn và triều cường?
Thay mặt Tổ Đại biểu HĐND TPHCM trả lời các cử tri về Đề án chính quyền đô thị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết TPHCM đã có 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và rút ra nhiều kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó, TPHCM có sự gia công, tập trung xây dựng Đề án chính quyền đô thị trình Quốc hội trong kỳ họp vừa qua và được Quốc hội thông qua.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là TPHCM phải làm gì và làm như thế nào để đề án chính quyền đô thị TPHCM thực sự gần dân, sát dân và mang lại hiệu quả phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, với Nghị quyết được Quốc hội thông qua về Đề án chính quyền đô thị thì Ban Thường vụ Thành ủy là cơ quan giám sát đối với cấp ủy đảng. HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là cơ quan giám sát theo quy định tại Đề án này.
“Trong thời gian tới, khi thực hiện chính quyền đô thị, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung thì HĐND TPHCM chỉ còn 95 đại biểu thay vì 105 như hiện nay. Trong phương án TPHCM trình cho Quốc hội không điều chỉnh tổng số đại biểu HĐND TPHCM nhưng đề xuất tăng số đại biểu chuyên trách và các đại biểu này sẽ giám sát các vấn đề khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường” – bà Lệ cho hay.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết vai trò của các đại biểu chuyên trách rất quan trọng. HĐND TPHCM không chỉ giám sát đối với UBND TP hay UBND các quận, huyện mà còn giám sát tới tận phường, xã, thị trấn, những nơi không tổ chức HĐND; giám sát các cơ quan tố tụng thi hành án dân sự... Do đó, HĐND TPHCM sẽ có một Nghị quyết, Đề án để nâng cao trách nhiệm giám sát khi không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường trong thời gian tới.
Về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện để về đích. Bả thân bà và HĐND TPHCM đã giám sát, làm việc với nhà đầu tư. “Khi hoàn thành thì dự án này góp phần giải quyết phần nào về ngập chứ không thể giải quyết hết bởi tình trạng ngập nước có nhiều nguyên nhân như do triều, do hệ thống thoát nước…” – bà Nguyễn Thị Lệ giải thích.