Lo toan mùa bấc!
Mùa bấc! Những đợt gió chiều thổi tấp những chiếc lá vào trước nhà. Mang theo hơi thở của đông vào tận cùng ký ức. Dạo chuyển mùa, nó dễ dàng tường tận những mảng màu hoài niệm. Những buổi sáng tù mù hơi sương, không nắng – không mưa nhưng mang chút se lạnh của đông đến tận mỗi nếp nhà.
Giáng sinh đến gần và cũng là những chặng cuối cùng của năm tất bật, vướng víu những khó khăn phải tháo bỏ, đón tết. Tết của những năm tháng cũ, khác! Quá khứ là động lực, để bất cứ ai, bất cứ ở đâu cũng trở về điểm tựa của chính mình: Nhà.
Mỗi bận gió bấc, cứ mỗi bận thu đi đông đến là mỗi bận bao lo toan bủa vây chực chờ trên khắp cùng dãy phố, trong vội vã, lo toan. Những con người đã rời đi, mong ngày trở về, nhưng áp lực hiện tại hôm nay, khiến chùn bước. Những bước chân mòn mỏi ngã quỵ bên vệ đường với hy vọng cũng phải lắp đầy hy vọng, sau những nụ cười.
Người ở, mong người về, trong nỗi nhớ của mẹ cha. Như một dòng sông muốn chở che cho những khóm lục bình trôi dạt rồi tề tựu, bất chấp cả vướng víu thường nhật. Nhưng, chưa có thời khắc nào lo toan nhiều hơn lúc này. Quãng thời gian sau những khó khăn, là những bài toán khó lý giải. Đâu đó phải cân nhắc, đâu đó phải cần nhiều hơn sự nỗ lực…
Những mảnh giấy vô thường, in những dòng chữ để trở về từ khi nào đã trở thành áp lực đối với những người bôn ba. Những lần trở về để tường tận hơi ấm của gia đình, những cái ôm vỗ về của mẹ cha. Chẳng ai có thể biết chắc, có phải là lần cuối?! Gió bấc lại vô tình, như nhắc nhở về quá khứ.
Quá khứ của những năm tháng thơ ngây, nghèo khó cách trở nhưng tươi đẹp. Là những thước phim mang âm thanh của sự trong sáng, chẳng có toan tính. Khác với hiện tại, nhưng buộc người ta phải đi qua quá khứ để bước tiếp, để đón nhận tương lai nhưng chẳng thể bình an trước thử thách.
Có quá khứ in đậm yêu thương. Có mùa bấc hoài niệm. Ngoại tất bật trên những chuyến xích lô thời ấy. Ngồi xổm trên những thúng cá vội vàng cho kịp buổi chợ. Mỗi lần, ngoại soạn sẵn một bịch cá lớn, hễ xích lô của bác Tám chạy ngang là thảy xuống tiệm hớt tóc của ba. Chúng tôi lớn dần như thế, sau này má nghỉ hợp tác xã muối theo bà ngoại chạy chợ. Không còn những bọc cá thảy xuống những buổi sáng hay buổi chiều nữa. Nhưng thỉnh thoảng, chiếc xích lô của bác Tám ngừng lại, ngoại dí ít tiền mua bánh cho sấp nhỏ. Ba tui khó tánh, cho cá cho bữa cơm ba sẽ vui vẻ nhưng cho tiền bọn nhỏ như anh em chúng tôi, ba hay hậm hực. Ba không muốn anh em chúng tôi quen kiểu tiêu vặt, dạy cách hiểu về gia đình. 8 anh em, ba rèn cái nết riết ai cũng biết rửa chén, nấu cơm, nấu canh kho cá, quét nhà… Phân công mỗi ngày, có hôm anh Hai ham chơi, nấu cơm bị khét. Trưa về anh Hai bị ba tận cho trận đòn tét đít, mấy đứa tui được trận cười đã đời.
Rồi thì, cũng mùa bấc của quá khứ, không còn nhìn thấy hình ảnh chiếc xích lô của bác Tám dừng lại trước tiệm tóc bình dân của ba. Ngoại đi trong một buổi sáng của mùa bấc, bình an như một buổi sáng chớm đông. Má chết lặng, nhưng không khóc. Vùng mắt sâu hóm của má, thâm đen vì mấy đêm liền chẳng thể chợp mắt. Nhưng chỉ sau vài ngày, má nhìn di ảnh rồi vỡ vụn.
Người ta vốn dĩ hay cất giữ quá khứ của riêng mình vào một góc ký ức. Có như thế nào, cũng phải đặt để như một động lực để bước tới. Không có buổi chớm đông nào bước vào xuân lại giống nhau. Khi mà, mỗi lúc khó khăn lại đè nặng và áp lực mỗi lớn dần theo hiện tại.
Chỉ là ước mơ hiện tại, cho những số phận được đặt để bôn ba được trở về trong nhẹ nhàng và bình an. Tìm lại quá khứ tươi đẹp của chính mình, có thể là những hồi ức bình dị, nghe khó nhưng thơm tho như hương lúa mới.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lo-toan-mua-bac-126536.html