Lỗ triệu USD, thiếu gia không run tay tung trăm tỷ chơi ván lớn
Hàng loạt đại gia tiếp tục mua vào cổ phiếu nhằm giữ giá trong bối cảnh hàng loạt mã giảm điểm trên sàn.
Đại gia Đặng Văn Thành đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu
Ông Đặng Văn Thành vừa thông báo đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa để đầu tư. Giao dịch dự kiến thực theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh từ 30/3 đến 28/4/2020. Hiện ông Đặng Văn Thành không sở hữu cổ phiếu nào.
Ông Đặng Văn Thành là chồng bà Huỳnh Bích Ngọc - người thường được gọi với danh xưng Nữ hoàng mía đường. Bà Huỳnh Bích Ngọc hiện là Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công Biên Hòa và đang sở hữu hơn 67,55 triệu cổ phiếu SBT, tương ứng 11,1% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Ngoài ra, con gái ông Đặng Văn Thành, bà Đặng Huỳnh Ức My, hiện cũng là Phó Chủ tịch của SBT, sở hữu gần 98,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,17%).
"Ông vua mía đường" Đặng Văn Thành quyết định mua trong bối cảnh cổ phiếu SBT đã giảm mạnh từ đầu năm theo diễn biến chung của thị trường chứng khoán, đặc biệt SBT đã giảm sàn 5 phiên trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.
Con trai ông Trần Đình Long đăng ký mua tiếp
Cổ đông nội bộ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố giao dịch đăng ký mua cổ phiếu. Theo đó ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 27/3 đến ngày 24/4/2020.
Nếu giao dịch thành công, cá nhân ông Minh sẽ nắm giữ 40 triệu cổ phiếu HPG, công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong, nơi ông Minh làm Giám đốc, nắm giữ 1,3 triệu cổ phiếu HPG. Và gia đình ông Trần Đình Long sẽ nắm giữ 943,85 triệu cổ phiếu, tương đương 34,18% cổ phần Hòa Phát.
Trước đó một ngày, ông Minh vừa hoàn tất giao dịch mua 20 triệu cổ phiếu HPG như đã đăng ký, giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 17/3-23/4.
Thời điểm ông Minh mua vào, giá cổ phiếu Hòa Phát ổn định ở vùng giá 18.700-20.100 đồng/cp, sau đó HPG giảm xuống dưới 17.000 đồng/cp. Kể từ đầu năm đến nay giá trị cổ phiếu của gia đình ông Long giảm hơn 5.727 tỷ do cổ phiếu HPG giảm hơn 26,4%. Nếu giá trung bình ông Vũ Minh mua là 18.700 đồng/cp, sau giao dịch ông Minh đã lỗ khoảng 28 tỷ đồng.
Chủ tịch Nam Long tranh thủ mua 5 triệu cổ phiếu
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty vừa thông báo đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu để đầu tư gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 30/3 đến 28/4.
Hiện ông Nguyễn Xuân Quang đang sở hữu 34,8 triệu cổ phiếu tương ứng 13,4% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Nếu giao dịch thành công ông Quang sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 15,33%.
Kết quả kinh doanh năm 2019, Nam Long ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.546 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2018, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.007 tỷ đồng, tăng 13,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Đây cũng là mức lãi cao nhất công ty từng đạt được kể từ khi lên sàn giao dịch năm 2013 đến nay.
Đại gia Việt bốc hơi mất hơn tỷ USD
Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài mở cửa sáng 27/3, giảm thêm 2.700 đồng xuống 65.300 đồng/cp. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong gần 3 năm qua.
Tính trong khoảng gần 6 tháng qua, cổ phiếu MWG đã giảm khoảng 48% từ mức gần 130 ngàn đồng (giá điều chỉnh) xuống mức 65.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động cũng bốc hơi gần 30 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,3 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận túi tiền bốc hơi khoảng hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu Thế Giới Di Động giảm giá bất chấp doanh nghiệp này công bố kế hoạch kinh doanh 2020 vẫn khá ấn tượng, với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh tương ứng 18% và 26% so với 2019 lên 122 ngàn tỷ đồng và 4,84 ngàn tỷ đồng.
Hơn thế, các lãnh đạo của MWG liên tiếp đăng ký mua vào trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá sâu và doanh nghiệp lên kế hoạch đẩy mạnh bán hàng và đàm phán lại chi phí mặt bằng... nhằm giảm tác động của dịch Covid-19.
Cổ phiếu MWG tiếp tục giảm giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu áp lực lớn khi mà cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19, người lao động cũng đối mặt với khả năng mất việc, giảm lương,...
Đại gia vượt bão
CTCP FPT (FPT) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng CĐ thường niên năm 2020 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, FPT đưa ra kế hoạch doanh thu tăng 17% so với 2019 lên gần 32,5 ngàn tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,5 ngàn tỷ đồng, tăng 18%. Trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%.
Tốc độ tăng trưởng đặt ra cho năm 2020 gần tương đương, chỉ thấp hơn một chút so với tăng trưởng trong năm 2019.
Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT FPT phát đi thông điệp, ban lãnh đạo sẽ đảm bảo việc làm cho hàng vạn người lao động trong tập đoàn. Đây là thông tin đáng chú ý nhất đối với người lao động tại doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng như các cổ đông FPT, các nhà đầu tư.
FPT được biết đến là một trong những ông lớn doanh nghiệp tại Việt Nam, ông lớn số 1 về công nghệ và có những bước phát triển thần tốc trong nhiều năm liền nhưng sau đó bị tụt hậu trong khoảng một thập kỷ qua.
Tỷ phú Việt liên tiếp rớt khỏi danh sách Forbes
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Tạp chí Forbes, tính tới cuối giờ chiều ngày 23/3, Việt Nam chỉ còn 3 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến tài sản tụt giảm mạnh, mất thêm 1 tỷ USD trong vòng 1 tuần qua xuống còn 4,8 tỷ USD. Tính trong vòng khoảng 1 năm qua, ông Vượng đã mất khoảng 3 tỷ USD.
Cổ phiếu Vingroup của oogn Vượng đã giảm khoảng 37% trong vòng 6 tháng qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn xếp ở vị trí số 2 với túi tiền giảm thêm 100 triệu USD trong tuần qua xuống còn 2 tỷ USD (tính tới 23/3). Bà Thảo vẫn là tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Bá Dương cũng ghi nhận tài sản của mình và gia đình quy từ cổ phiếu giảm 100 triệu USD xuống còn 1,4 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank (TCB) là người tiếp theo bị loại khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes. Trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng rớt khỏi danh sách này.