Lộ trình cuộc đời

Trước khi rời đi cùng các con, bà bảo hắn, có lẽ tôi đã sai về lộ trình cuộc đời mình, điểm đến không quan trọng bằng hành trình. Đích đến có thể giống nhau nhưng con đường đi là do chính ta lựa chọn. Con cái, gia đình chẳng bao giờ là khó khăn, thử thách cả. Đó là những người đồng hành một đoạn đường trên chuyến xe cuộc đời của mỗi chúng ta.

Mặt trời như chiếc bánh đa bị ai đó bóp vụn rơi từng mảnh nắng vàng ruộm xuống khoảng đất trống trước quán nước dưới gốc sấu già nơi hắn đang ngồi. Ngày nào cũng vậy, cứ đều đều bảy giờ sáng hắn sơ mi đóng thùng ra khỏi nhà. Ai cũng nghĩ hắn đi làm nhưng kỳ thực hắn đã thất nghiệp hơn tháng nay. Nơi hắn đến mỗi ngày là quán trà đá của một cụ bà.

Hắn chọn đến đây bởi quán đủ xa để chẳng người quen nào của hắn bắt gặp, phần nữa, bà già chủ quán nước rất kiệm lời dù cho hắn có ngồi ở quán cả ngày bà cũng chẳng buồn hỏi thăm xem hắn là ai, đến từ đâu và vì sao suốt tháng trời ngày nào cũng ra quán bà ngồi. Ban đầu, hắn rất hài lòng về điểm này của bà chủ quán, những câu hỏi công việc, gia đình, vợ con ở thời điểm này luôn làm hắn khó chịu nhưng lâu dần hắn đâm ra tò mò về bà lão. Hắn hỏi nhiều hơn và bà bắt đầu nói nhiều hơn những câu chuyện hé mở những cuộc đời.

*

Trước khi thất nghiệp và ngày ngày đến quán nước của bà lão, hắn cũng có một công việc văn phòng với mức lương lên tới hơn ngàn đô. Con số chẳng thấm là bao so với cuộc sống sinh hoạt ở thị thành đắt đỏ nhưng cũng đủ để nhiều người trẻ ở độ tuổi như hắn mơ ước và phấn đấu. Sự nghiệp của hắn tương đối bằng phẳng nếu không muốn nói là may mắn hơn so với người khác.

Tốt nghiệp với tấm bằng khá của một trường đại học nằm lưng chừng đâu đó tốp giữa trong khối ngành kinh tế. Những cử nhân loại giỏi, xuất sắc của trường tốp đầu vẫn thất nghiệp và loay hoay đêm ngày rải hồ sơ khắp nơi thì chẳng biết lớ ngớ thế nào hắn được tuyển vào công ty có số má trong lĩnh vực kinh tế. Vào công ty cùng đợt với hắn có năm người, sau ba năm rơi rụng dần chỉ còn trụ lại mỗi hắn. Mèo già sống lâu hóa cáo, hắn nghiễm nhiên được đề bạt làm trưởng phòng bởi chẳng còn nhân viên nào thâm niên nhiều hơn hắn mà công ty lại có chính sách ưu tiên nguồn nhân sự tại chỗ.

Hắn vốn là con người trung bình chủ nghĩa, cả đời chẳng muốn tranh đấu gì nhưng người ta đã gí vào một cái ghế mời ngồi, nhất là khi ngồi ở đó công việc vẫn vậy mà lương và phụ cấp tăng lên thì tội gì mà không đặt đít xuống. Rồi, đúng theo tuần tự, hắn gặp và kết hôn với một cô gái mà hắn có cảm tình. Cuộc đời hắn vốn dĩ mọi thứ đều lờ mờ và nhợt nhạt, hắn chẳng đặc biệt thích hay ghét cái gì rõ ràng, ngay đến cả vợ hắn cũng chỉ dừng lại ở mức có cảm tình chứ không hề tồn tại thứ xúc cảm thổn thức hay yêu đương nồng cháy.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Kết hôn xong cả hai gom tiền, vàng mừng cưới, tiền tiết kiệm và bố mẹ hai bên nội ngoại hùn vào hỗ trợ, mua được căn chung cư một phòng khách, hai phòng ngủ hơn chín mươi mét ở trung tâm thành phố. Vậy là, chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi hắn đã thực hiện liên tù tì hai việc lớn trong cuộc đời một thằng đàn ông đó là cưới vợ và mua nhà. Rất nhanh sau đó vợ hắn có bầu, sau ba tháng, siêu âm, bác sĩ báo đó là một đứa con trai khi thấy hai hòn của nó rất rõ.

Tưởng chừng mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy khi vợ hắn đẻ đứa thứ nhất rồi đến đứa thứ hai, vài năm sau hắn sẽ mua ô tô, rồi con hắn sẽ đi học. Học xong, chúng lần lượt lập gia đình, vợ chồng hắn sẽ già đi, về hưu trông cháu cho mấy đứa con và làm nốt những việc mà người ta vẫn làm trước khi về lại với đất theo đúng lộ trình cuộc đời con người một cách đầy nhàm chán thì hắn quyết định ngoặt ngang cái lộ trình đó. Hắn nghỉ việc.

*

Quán của bà lão chỉ có độ chục cái ghế nhựa tùy vào mục đích sử dụng của khách cái nào dùng để ngồi thì là ghế, còn đặt nước lên thì là bàn. Hàng quán của bà lão cũng chẳng có nhiều ngoài ấm chè, ấm vối, điếu thuốc lào và dăm thanh kẹo lạc, gói hướng dương đựng trong cái hộp nhựa được xếp ngay ngắn lên trên thùng xốp.

Bán hàng trên vỉa hè thường càng tinh gọn càng tốt, đặng nào có công an phường hay đội trật tự giao thông thành phố đi tuần tra còn biết đường xách đồ đạc chạy. Bà lão thì lại khác, hàng quán của bà đơn sơ vì bà chỉ bán có thế chứ ở tuổi bà để đi đứng bán hàng như này đã là một sự cố gắng huống gì nữa là xách đồ chạy. Đêm xuống, cũng ngay chỗ ban ngày là cái quán nước, bà trải tấm bạt, dựng cái lều con con để ngủ. Hắn đến quán nước đều đặn cả tháng nhưng chưa lần nào gặp công an ghé đến hay đi tuần qua, chắc họ thương cảnh già neo đơn nên tránh con ngõ có cái quán nước của bà.

Bà lão ngoài tuổi thất tuần mà tóc đã bạc trắng màu mây trời, dấu vết nhọc nhằn của thời gian in hằn lên làn da nhăn nheo, cái lưng gù của bà. Thế nhưng, những điều đó không thể che đi nét đẹp phúc hậu, đằm thắm mà hẳn với nhan sắc này thời trẻ khiến khối ông phải xếp hàng dài. Nét đẹp đó ở tuổi xế chiều vẫn còn phảng phất trên đôi mắt của bà, đôi mắt sâu, to tròn nhưng buồn, mắt bà lúc nào cũng long lanh như có nước và ánh nhìn luôn xa xăm.

*

Bà lão vốn ở ngoại thành, cách trung tâm đâu chừng bốn chục cây số, chỉ hơn một giờ đi xe máy là đến. Nhẽ ra, theo đúng lộ trình cuộc đời ở tuổi này sau những tháng ngày vất vả thời trẻ, bà phải được hưởng tuổi già an nhàn bên con cháu, thế nhưng biến cố xảy ra khiến bà có nhà mà không dám về, có con mà chẳng buồn gặp. Bà thà chọn tạm bợ sống phần còn lại của đời mình dưới gốc cây sấu chứ không muốn về lại căn nhà dưới quê.

Bà lấy chồng muộn, bao mối làng trên xóm dưới đến hỏi nhưng bà không chịu, quyết đợi người yêu đi lính trở về. Chẳng một lời hứa hẹn, chỉ là chiếc kẹp tóc gói trong chiếc khăn mùi xoa, suốt hơn mười năm ra chiến trận không một lần về lại thăm nhau, cũng chẳng có lá thư nào trao gửi vậy mà bà vẫn đợi. Bà đợi từ lúc đóa hoa nhan sắc còn chúm chím e ấp, ẩn mình trong những kẽ lá, đến khi bung nở rực rỡ thu hút ong bướm kéo về ve vãn. Và, đợi tới lúc những cánh hoa bắt đầu héo dần, cuối cùng cũng chờ được người yêu trở về.

Không phụ công hơn chục năm đằng đẵng bà trung trinh đợi chờ, ông bù đắp cho bà bằng tất cả những gì có thể. Thời của bà, người ta vẫn quan niệm đẻ càng đông càng vui nên nhà nào cũng đẻ nhiều con. Riêng nhà bà, sau hai lần chứng kiến vợ vượt cạn một gái, một trai tưởng như không thể gắng gượng được nữa, ông bàn với bà ngừng. Bà vẫn còn muốn thêm con cho có chị có em nhưng vẫn nghe theo lời ông. Cuộc sống của đôi vợ chồng và hai đứa con đắp đổi qua ngày, nhưng nhờ chịu thương chịu khó, cũng nhờ phần sinh ít nên dần ổn định.

Mọi việc cứ thế trôi đi cho đến ngày chuyến xe cuộc đời của ông đến đích, bỏ lại bà một mình tiếp tục cuộc hành trình đơn độc với những trách nhiệm cần phải thực hiện nốt cho con cái. Tưởng rằng chuyến xe cuộc đời cứ tiếp tục lăn từng chút một như thế cho đến đích mà chẳng còn gặp phải những chướng ngại, thử thách nào thì ngày định mệnh đó đến khiến cho mọi lộ trình mà bà chắc mẩm trong đầu sẽ xảy ra bị bẻ ngoặt bất ngờ đến bà cũng phải ngơ ngác.

Chồng mất khi các con của bà cũng đã hoàn thành xong việc học đại học, có thể tự làm tự ăn mà không phụ thuộc vào bà. Mấy năm sau ngày bố mất, các con bà lần lượt có gia đình trong vòng một năm. Bà già vui mừng hơn bao giờ hết, ngày cưới của đứa nào bà cũng khóc đến sưng cả mắt. Bà thắp nén nhang lên ban thờ chồng, ngắn dài nước mắt, tôi đã thay ông lo liệu việc trọng đại nhất trong cuộc đời của chúng xong xuôi cả rồi, giờ ông có dẫn tôi đi cùng, tôi cũng không còn điều gì hối hận nữa. Phải chi, chuyến xe cuộc đời của bà kịp dừng ngay ngày hôm đó thì có lẽ bà đã có một hành trình trên cõi tạm tương đối êm đẹp.

Con cái đâu chỉ trông mong cha mẹ ở riêng việc dựng vợ gả chồng, chúng còn nhờ vả cha mẹ cả đời đến tận khi mắt mờ, tay run, xương cốt rệu rã thì may ra chúng mới cho phép về hưu. Mặc cho Nhà nước quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ là năm nhăm tuổi, bà lão ngoài bảy mươi vẫn phải làm người trông trẻ không công cho các con. Cả hai đứa con của bà đều sống trên thành phố, lâu lâu mới về quê thăm nhà.

Từ ngày chúng có con, bà phải lên ở hẳn trên đó để lo hết cháu nội đến cháu ngoại. Đã làm "Osin" không công cho chúng nó, lo cho con của chúng, ấy vậy mà không ít lần bà gặp phải cảnh mặt nặng mày nhẹ của con dâu, hay sưng sỉa chửi chó mắng mèo của con rể khi không may làm con của chúng ngã hay trầy xước. Nếu không vì thương cháu bà đã bỏ quách về quê cho sướng thân. Tuổi của bà ở quê sáng đi thể dục dưỡng sinh, chiều đi đánh cờ, đánh bài tam cúc với nhau chứ đâu ai còn chăm con mọn cho con cái như bà nữa.

Rồi bà cũng được các con tha cho khi hai đứa nhỏ đến tuổi đi học. Thế nhưng, bà cũng chỉ được ngơi nghỉ chín tháng bởi ba tháng hè mấy đứa con nít nghỉ học. Bố mẹ chúng thì không thể nghỉ việc để ở nhà cả ngày trông chúng được, thuê giúp việc thì đắt đỏ nên lùa hết về quê cho bà trông vẫn là tối ưu nhất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa gần gũi thiên nhiên, tránh xa các thiết bị điện tử, tivi độc hại.

Hai đứa cháu về ở với bà, vui nhà vui cửa hẳn lên nhưng sơ hở một tí là bà phải hớt hải đi tìm vì chúng biến đi đâu mất. Đứa bốn tuổi, đứa thì lên năm, độ tuổi tò mò khám phá, chúng lọ mọ hết ngoài vườn, đến bờ ruộng, đường làng, nhất là đống cát trước nhà. Cả hai đứa có thể nghịch cát cả ngày mà không chán, ban đầu, cứ hễ bén mảng đến đống cát là bà cầm roi quát, chúng vào nhà ngồi yên được tí là lại mon men ra chơi. Ngày độ chục lần như vậy, bà đành để kệ cho chúng chơi, bởi vì tính ra chơi với cát bẩn tí tắm rửa là sạch so với việc chúng mon men ra vườn rắn rết, côn trùng cắn hay ra bờ ao nghịch vẫn là hơn.

Biến cố là một con quỷ không có chân, bởi vậy chẳng ai có thể nhận ra được bất cứ dấu hiệu nào khi nó xuất hiện. Đã thế, nó còn rất giỏi ngụy tạo và khéo đưa đẩy để con người ta tảng lờ đi sự xuất hiện của nó. Như cái buổi chiều hôm đó, rõ ràng bà còn thấy hai đứa nhỏ đang ở trước sân, còn nghe rõ mồn một tiếng hai đứa chọi nhau để giành chiếc xe cần cẩu bà mới mua cho chúng ban sáng. Vậy mà, chỉ nhoáng một cái lơ đễnh, hình như con quỷ che mắt bà nó làm bà thiếp đi đâu chừng chỉ mươi phút, nhìn ra ngoài sân đã không thấy bóng dáng hai đứa cháu đâu.

Bà xách roi hớt hải đi tìm như bao lần, trống ngực bà đập thình thình dù bà vẫn không biết chính xác về con quỷ biến cố, nhưng bằng linh cảm, bà cảm nhận được có gì bất an xảy đến với cháu mình. Bà chạy ra vườn, không có ai. Bà chạy ra đầu ngõ cũng không thấy. Bà hô gọi tên, không đứa nào thưa. Tay chân bà đã run đến mức không đi được nữa, ngực bà hối lên từng cơn khiến bà phải há miệng đớp đớp lấy từng ngụm không khí một cách khó nhọc hệt như khi những con cá bị vớt từ hồ để lên bờ thở.

Bà run run đi tới được cái ao ở cuối vườn, thấy có chiếc dép ở trên bờ, một chiếc nổi dưới ao, bà cất tiếng thất thanh kêu cứu. Hàng xóm đã chú ý từ khi bà thảng thốt gọi tên cháu nên khi nghe kêu cứu liền vọt rào sang ngay. Nhanh lắm, tổng thời gian diễn ra sự việc chỉ đâu chừng chưa đến hai mươi phút, vậy mà lúc người ta xuống dưới ao thì con quỷ biến cố đã chiến thắng trong cuộc chạy đua với thời gian.

Bà lão ngất ngay từ cái lúc người ta đưa hai thằng nhỏ trắng bệch lên trên bờ. Bà được đưa vào nhà và gọi bác sĩ đến cấp cứu truyền nước, tỉnh được chút là khóc hờ tên cháu rồi lại ngất đi cả dăm bảy lần như vậy thì bà không còn sức để khóc nữa. Bà cố nén nước mắt để ra ngoài nhà, nơi đặt hai đứa cháu trên chiếc giường mà mới hồi sáng ba bà cháu vẫn còn nằm nói chuyện ríu rít với nhau. Bà hết nhìn con dâu và con gái ngất lịm đang được cấp cứu đến đứa con trai và con rể rồi lại nhìn lên di ảnh chồng, nước mắt cứ thế lăn dài:

- Ông ơi, sao ông không để tôi đi thay chúng nó, sao ông không bảo vệ chúng nó!

Khi bà còn đang khóc ồ ồ lên thì bất ngờ thằng con trai quát lớn:

- Mẹ thôi đi.

Bà lão giật mình, nhìn vào đôi mắt đỏ vằn của thằng con trai, trong bà một tiếng xoảng của thứ gì đó đổ vỡ. Đó là thứ cảm giác đau nhất trong suốt quãng đời bà trải qua, đau hơn gấp cả trăm, cả ngàn lần nỗi đau vượt cạn sinh hai đứa con của bà hồi trẻ. Từ khoảnh khắc đó, bà cúi gằm mặt xuống và khóc trong im lặng, bà không bao giờ dám nhìn những đứa con của mình nữa, cái cảm giác tội lỗi có lẽ cả đời này bà cũng chẳng thể tha thứ cho chính bản thân mình. Đêm cái hôm chôn cất cho hai đứa cháu xong xuôi, bà lặng lẽ ôm theo túi quần áo bỏ nhà ra đi.

*

Hắn nghe bà lão kể câu chuyện cuộc đời mình mà lặng người, chẳng biết phải nói điều gì. So chuyến xe bên kia sườn dốc cuộc đời của bà thì hắn mới chưa quá nửa dốc bên này, lộ trình cuộc đời hắn vẫn đúng theo những gì dự định cho đến ngày hắn nghỉ việc. Thế nhưng, hắn nghĩ rồi chuyến xe của hắn sẽ sớm quay trở lại theo đúng những gì được vạch sẵn, bởi lẽ việc nghỉ việc của hắn cũng chỉ là tức thời, nghỉ để mà nghỉ thôi chứ chẳng để làm gì cả. Khi nào chán cảnh thất nghiệp thì hắn lại gửi hồ sơ xin việc, với trình độ của hắn hiện tại thì gửi đâu chẳng được nhận, chỉ là lương lậu chênh nhau thế nào mà thôi. Hắn bỗng muốn làm gì đó để đỡ đần bà già, đó là lần đầu tiên trong đời hắn thực sự hào hứng với một việc. Bữa đó, hắn chụp mấy tấm ảnh và viết một bài dài về hoàn cảnh của bà lão trên trang Facebook cá nhân của mình nhằm kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Con người ta có thể khó khăn với anh em, bạn bè, người quen khi tính toán từng đồng từng cắc để mua bán, vay mượn. Thế nhưng, làm từ thiện thì làm gì có ai tính toán bao giờ. Hắn không ngờ bài viết của hắn lại nổi tiếng và thu hút được nhiều người ủng hộ bà lão đến như vậy. Sáng hôm đó, hắn sơ mi đóng thùng như mọi ngày, mang theo cục tiền mà các “Mạnh Thường Quân” ủng hộ tính mang đến biếu bà lão nhưng mới tới đầu con ngõ, nơi có quán nước, đã thấy người đứng như nêm.

Thì ra, bài viết của hắn đã thu hút cánh nhà báo, những người làm sáng tạo nội dung và cả những “Mạnh Thường Quân” muốn đích thân đến trao tận tay cho bà phần quà, chụp tận mặt với bà tấm ảnh để thể hiện tấm lòng thảo thơm của mình. Người đến quá đông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự nên công an phải đến dẹp, quán của bà lão theo đó cũng không được bán nữa. Suốt cả tuần đó câu chuyện của bà lão bị bàn tán xôn xao, có người chửi những đứa con là bất hiếu nhưng cũng có người đồng cảm, thấu hiểu với nỗi lòng của người con. Họ cho rằng, bà lão tự bỏ đi chứ con cái bà không hề đuổi, biết đâu các con bấy nay cũng đang tìm bà.

Hắn phải đón bà về nhà ở tạm, bởi mọi lùm xùm cũng đều từ hắn mà ra. Việc hắn đón bà lão về nhà đã để lộ ra việc hắn thất nghiệp suốt tháng nay, hắn những tưởng vợ sẽ làm ầm ĩ lên, nhưng ngược lại vợ hắn chỉ bảo từ sau nghỉ việc chỉ cần bảo với cô ấy một tiếng không cần phải giấu. Hắn ngạc nhiên nhìn vợ, nhẽ vợ hắn cũng có nhiều điều tốt đẹp mà hắn còn chưa biết. Hắn ôm lấy vợ hôn chụt vào má cảm ơn trước mặt bà lão làm hai má cô đỏ ửng, quay đi.

Khi nhận ra có mặt bà lão, mặt hắn cũng đỏ bừng như gấc, đây là hành động chưa bao giờ xuất hiện ở hắn trước đây. Dân tình bàn tán xôn xao suốt một tuần rồi cũng chán nên vụ việc dần rơi vào quên lãng. Bà lão tính hôm sau tiếp tục quay trở lại với quán nước thì tối hôm đó điện thoại của hắn có một số lạ gọi đến.

Cửa phòng mở ra, bốn con người bước vào nhà hắn, lúc này bà lão đang ngồi trên sô-pha xem chương trình thời sự, quay lưng về phía cửa nên không nhận ra. Mấy đứa con nhìn thấy mái tóc bạc trắng của mẹ thì vỡ òa, nức nở gọi mẹ ơi. Bà lão lúc bấy giờ mới quay lại, nhận ra đó là các con của mình thì chết lặng. Bà bối rối vo vo vạt áo rồi cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn các con. Nước mắt bà bắt đầu chảy, bà nhớ về hai đứa cháu của bà, nhớ cái ánh mắt sắc như dao cứa vào tim bà của thằng con trai. Những đứa con lao đến quỳ gối trước bà, xin lỗi:

- Mẹ ơi, chúng con làm gì dám trách mẹ, suốt hơn năm nay không lúc nào chúng con không đi tìm.

Đáp lại những lời van nài của các con chỉ là những giọt nước mắt và những cái lắc đầu của bà lão. Mãi đến khi cô con dâu lên tiếng:

- Mẹ ơi, mẹ về chăm cháu giúp con.

Lúc này, bà lão mới ngẩng mặt lên, nhận ra sau lớp váy rộng của con dâu là cái bụng đang nhô cao. Con gái bà lão tiếp lời, cả con nữa mẹ ạ, về chăm con cho con nữa, đứa bé được ba tháng rồi.

Trước khi rời đi cùng các con, bà bảo hắn, có lẽ tôi đã sai về lộ trình cuộc đời mình, điểm đến không quan trọng bằng hành trình. Đích đến có thể giống nhau nhưng con đường đi là do chính ta lựa chọn. Con cái, gia đình chẳng bao giờ là khó khăn, thử thách cả. Đó là những người đồng hành một đoạn đường trên chuyến xe cuộc đời của mỗi chúng ta. Số tiền cậu kêu gọi giúp tôi, nhờ cậu chuyển lại cho các Mạnh Thường Quân hoặc xin họ mang giúp đỡ ai đó cần hơn tôi.

Chia tay bà lão, hình như hắn vỡ ra điều gì đó. Hắn bảo với vợ ngày mai hắn sẽ đi làm trở lại, vợ hắn nghe vậy thì mừng lắm, đứa con trong bụng dường như cũng cảm nhận được nên đạp loạn xạ lên. Bên ngoài nhà trăng đã lên cao và hắn đã biết lộ trình cuộc đời mình sẽ rẽ về hướng nào. l

Truyện ngắn của Lê Đình Trung

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/lo-trinh-cuoc-doi-i740672/