Lộ trình hợp lý để giảm vay tiêu dùng tiền mặt

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi, việc NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Việc này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Với công nghệ số, các TCTD có thể chủ động xây dựng các sản phẩm vay mới giải ngân qua tài khoản ngân hàng hoặc liên kết với các trung gian thanh toán

Với công nghệ số, các TCTD có thể chủ động xây dựng các sản phẩm vay mới giải ngân qua tài khoản ngân hàng hoặc liên kết với các trung gian thanh toán

Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC). Một trong những sửa đổi đáng chú ý là việc đưa ra lộ trình giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ cho vay của các CTTC: tối đa 70% trong năm 2021 và giảm dần xuống 60% vào năm 2022, 50% vào năm 2023 và 30% vào năm 2024.

Đủ thời gian để xoay trở

Theo Thông tư 18, CTTC giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật.

Quan sát thị trường cho thấy, hiện nay trong số các CTTC có thị phần lớn thì FE Credit là đơn vị có cơ cấu sản phẩm cho vay tiền mặt lớn nhất. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, tỷ lệ cho vay tiền mặt của FE Credit hiện ở mức 76%, 24% còn lại là dành cho các khoản cho vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng.

Với các CTTC khác như HDSaison và MCredit, tỷ lệ cho vay tiền mặt thấp hơn, song vẫn khá cao. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2019 cơ cấu cho vay tiền mặt của HDSaison ở mức 33%; trong khi MCredit có tỷ lệ này ở mức 70%, nhưng do quy mô thị trường còn nhỏ nên đơn vị này có thể dễ dàng điều chuyển, tái cấu trúc danh mục sản phẩm.

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của Thông tư 18/2019 đến hoạt động kinh doanh của các CTTC tiêu dùng, đa số các chuyên gia đều cho rằng độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. Cụ thể, đối với FE Credit, các chuyên gia tại JP Morgan cho rằng, hiện tại tỷ lệ cho vay tiền mặt của CTTC này khá lớn nhưng các khoản vay trên 20 triệu đồng chỉ dưới 70%. Do đó, trong 2 năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh đơn vị.

Từ năm 2022 trở đi, FE Credit có thể sẽ phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn. Theo đó, cơ cấu dư nợ cho vay tiền mặt của FE Credit có thể sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Việc này sẽ khiến NIM hàng năm giảm khoảng 80 điểm phần trăm và hệ số thu nhập/vốn (ROE) có thể giảm từ mức 20% của hiện tại xuống khoảng 15-16%.

Đối với HDSaison, ông Quản Trọng Thành (Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng) cho rằng, hiện nay do tổng dư nợ cho vay tiền mặt khá thấp nên hầu như không bị tác động từ Thông tư 18/2019. Các CTTC còn lại như MCredit, Shinhan Finance, Toyota Financial Servies, Mirae Asset, SHB Finance, Viet Credit, Easy Credit… do thị phần chưa lớn nên đều có đủ thời gian để cơ cấu lại danh mục sản phẩm.

Cần thiết nhưng vẫn phải tính lâu dài

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi - việc NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Việc này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Thực tế, theo bà Mùi, hiện nay chưa có những thống kê cụ thể về nợ xấu của riêng hoạt động cho vay bằng tiền mặt, nhưng rủi ro nợ xấu của các CTTC rất lớn, tình trạng đòi nợ “kiểu xã hội đen” phổ biến, gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến uy tín ngành Ngân hàng. Vì vậy việc hạn chế dần cho vay tiền mặt là hợp lý để lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.

Ở góc độ vĩ mô, TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn của người vay là rất cần thiết. Vì thế việc NHNN đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ cho vay giải ngân bằng tiền mặt đối với các CTTC là hợp lý nhằm tăng khả năng kiểm soát người vay.

Tuy nhiên, theo ông Tín khi hạn chế dần tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân bằng tiền mặt trực tiếp sẽ khiến các CTTC ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh các hình thức tín dụng đen online và biến tướng của cho vay ngang hàng (P2P) ngày càng phổ biến thì thị phần cho vay tiền mặt của các CTTC sẽ bị co hẹp và cạnh tranh khốc liệt. Vì thế song song với việc ban hành Thông tư 18/2019 và các văn bản hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại tỷ lệ cho vay tiền mặt thì NHNN và các bộ, ngành liên quan cũng cần nhanh chóng hoàn thiện pháp lý đối với các hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay cầm đồ online để đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh trên thị trường.

Ở góc độ các CTTC, theo ông Tín, lộ trình 5 năm để giảm dần tỷ lệ cho vay tiền mặt từ 70% về 30% là lộ trình khá dễ thở và phù hợp. Bởi hiện nay, với sự phát triển nhanh của các ứng dụng công nghệ số, các TCTD hoàn toàn có thể chủ động xây dựng các sản phẩm vay mới giải ngân qua tài khoản ngân hàng hoặc liên kết với các trung gian thanh toán để kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng.

Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, nếu các CTTC tập trung đầu tư xây dựng các quy trình nghiệp vụ để chuyển dần tỷ trọng vay tiền mặt trực tiếp sang vay qua tài khoản thì không quá khó khăn.

Tuy nhiên, cái khó là các đơn vị cần phải đảm bảo tính trung thực và minh bạch trong các số liệu báo cáo. Bên cạnh đó, những quy trình, cách thức quản lý khoản vay cũng cần được chú trọng, thay đổi để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của NHNN, các rủi ro về vốn cần báo cáo và xử lý kịp thời theo đúng mục tiêu mà NHNN đặt ra nhằm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lo-trinh-hop-ly-de-giam-vay-tieu-dung-tien-mat-95520.html