Khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) - vùng quê cách mạng hôm nay có nhiều đổi mới. Người dân năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác lợi thế địa phương để nâng cao thu nhập, nâng cấp nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại. Kinh tế phát triển, bà con chung tay xây dựng những ngôi làng thuần nông xưa trở thành miền quê giàu đẹp.

Năng động làm giàu

Đến xã An toàn khu (ATK) II Hoàng Vân, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt của vùng quê cách mạng này với đường làng, ngõ xóm phong quang, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, đẹp đẽ. Dạo một vòng quanh xã để cảm nhận rõ hơn những đổi thay, chúng tôi dừng chân ở thôn Vân Xuyên. Giữa mùa hè song không khí trong thôn khá dịu mát, rợp bóng cây xanh bởi hầu hết các gia đình đều có ít nhất vài ba cây trám đen cổ thụ trong vườn.

 Hiệu quả kinh tế cao, 5 năm gần đây, người dân thôn Vân Xuyên trồng thêm 5 ha trám đen trên các khu vườn, bãi.

Hiệu quả kinh tế cao, 5 năm gần đây, người dân thôn Vân Xuyên trồng thêm 5 ha trám đen trên các khu vườn, bãi.

Theo ông Ngô Văn Lập, Bí thư Chi bộ thôn, trước đây, người dân trồng trám chỉ để lấy bóng mát và tận dụng quả làm thức ăn hằng ngày. Gần chục năm nay, quả trám đen được nhiều người biết đến nhờ hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao, trở thành món ăn được ưa chuộng. Thương nhân tìm đến tận vườn thu mua đưa vào các nhà hàng, quán ăn nên địa phương quan tâm mở rộng diện tích.

Hiện nay, hơn 70% hộ dân trong thôn phát triển kinh tế nhờ cây trám đen, nhà ít cũng có 1-2 sào, nhiều thì hơn 1 mẫu trồng loại cây này. Trung bình mỗi năm, cả thôn thu hơn 40 tấn quả, với giá bán từ 120 đến 130 nghìn đồng/kg quả tươi, người dân thu về hơn 4 tỷ đồng/năm. Từ trồng trám, kinh doanh các sản phẩm từ quả trám, thôn có nhiều hộ bỏ túi 100 - 200 triệu đồng sau mỗi vụ.

 Người dân thôn Vân Xuyên thu hoạch trám đen.

Người dân thôn Vân Xuyên thu hoạch trám đen.

Điển hình trong số các hộ có kinh tế khá nhờ cây trám là ông Nguyễn Văn Dương (SN 1970). Ngoài 20 cây trám của gia đình, mỗi vụ thu hoạch, ông thu mua khoảng 1,6 tấn quả của các hộ khác để chế biến các món ăn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hay như gia đình ông Ngô Quốc Việt (SN 1973) cũng thu về hơn 100 triệu đồng từ một mẫu trám mỗi vụ. “Ngoài 568 cây trám đen lâu năm, 5 năm gần đây, các hộ dân trong thôn đã trồng thêm 5 ha, trong đó có 3 ha bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ cây trám, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, giảm 5 hộ so với năm 2022”, ông Ngô Văn Lập chia sẻ.

Theo tài liệu, trong thời kỳ vận động tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, xã Hoàng Vân trở thành trung tâm cách mạng của cả vùng với những địa danh đi vào lịch sử như: Đình Vân Xuyên, đền Soi, nhà cụ Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba), nhà cụ Nguyễn Văn Chế, nhà cụ Ngô Văn Đông (cụ Lý Đông). Với những đóng góp to lớn, năm 1999, xã Hoàng Vân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp; năm 2012, Hoàng Vân là một trong 16 xã của huyện Hiệp Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã ATK II. Được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, Hoàng Vân có thêm nguồn lực để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích cũng như các công trình đường giao thông, trường học. Đến nay 100% đường trục xã, thôn, 95,5% đường ngõ xóm được cứng hóa. Trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn mức độ 1, Trường THCS đạt chuẩn mức độ 2.

Phát huy truyền thống quê hương, người dân trong xã không ngừng đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi, đưa nghề mới vào phát triển kinh tế. Ví như tại thôn Vạn Thạch, thay vì những ruộng khoai, khu vườn tạp cho hiệu quả kinh tế thấp trước đây, nay cả thôn được phủ màu xanh của những vườn ươm cây công trình như: Bàng Đài Loan, lộc vừng, bằng lăng, phong linh, sấu, sao đen, thông cảnh… Từ nghề kinh doanh, ươm cây công trình, thôn có hàng chục hộ thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm.

 Người dân thôn Vạn Thạch chăm sóc vườn ươm.

Người dân thôn Vạn Thạch chăm sóc vườn ươm.

Hay như tại các thôn: Vân Xuyên, Vạn Thạch, Lạc Yên 1, Lạc Yên 2… có 200 hộ phát triển nghề làm bánh chưng. Chị Tạ Thị Quý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Vân chia sẻ: “Trước đây, các hộ gói bánh chưng chủ yếu để phục vụ các đám cưới trong thôn, xã thì nay thị trường đã mở rộng, thậm chí còn “xuất ngoại”. Với 33 thành viên, mỗi năm chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 30 - 40 tấn bánh, tập trung nhiều vào dịp cuối năm. Để có vùng nguyên liệu tốt, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, tới đây, hợp tác xã sẽ liên kết với các hộ làm ruộng để mở rộng diện tích lúa nếp cái hoa vàng”.

Góp công, góp của xây dựng quê hương

Theo ông Phạm Duy Trung, Chủ tịch UBND xã Hoàng Vân, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh chóng. Kết quả điều tra năm 2023, toàn xã chỉ còn 17 hộ nghèo (giảm 28 hộ so với năm 2022), 23 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2023 là 52,07 triệu đồng/người/năm, tăng 9,47 triệu đồng so với năm 2019 - thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

 Từ nghề làm bánh chưng, nhiều lao động ở Hoàng Vân có việc làm, tăng thu nhập.

Từ nghề làm bánh chưng, nhiều lao động ở Hoàng Vân có việc làm, tăng thu nhập.

Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện để đóng góp công sức xây dựng quê hương. Chỉ riêng năm 2023, nhân dân địa phương đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao. “Sau 5 năm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, bộ mặt nông thôn ở Hoàng Vân có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tại các thôn, nhiều công trình phúc lợi xã hội, hạ tầng cơ sở, thiết chế văn hóa được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới như: Sân thể thao, nhà văn hóa thôn, bãi xử lý rác thải, đường giao thông”, ông Phạm Duy Trung cho biết.

Mặc dù có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả tích cực song qua rà soát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một số tuyến đường giao thông trên địa bàn còn nhỏ hẹp, đã xuống cấp do được đầu tư từ nhiều năm trước. Trong phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Để gỡ những “nút thắt” này, xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm đa dạng phù hợp với địa phương. Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và huyện để hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác và chế biến sản phẩm; đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khai-thac-tiem-nang-de-phat-trien-kinh-te-xay-dung-que-huong-103036.bbg