Lộ trình thích hợp để cấm xe máy vào nội đô

Sự gia tăng không ngừng của xe máy trong nội đô đã để lại hệ quả từ nhiều năm nay, đó là tiếng ồn và không khí ô nhiễm. Hiện có tới 80-90% người dân sử dụng phương tiện cá nhân hàng ngày, trong đó có tới 70% người đi xe máy. Từ nay đến năm 2030, việc hướng người dân đi xe máy chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, được các chuyên gia giao thông đánh giá là khó khả thi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể.

Thống kê năm 2022, Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện cơ giới thì hơn 6 triệu trong số đó là xe máy, con số này không ngừng tăng lên nên với mật độ phương tiện giao thông tham gia rất dày đặc, lượng khí thải ra mỗi ngày là rất cao.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, xe mô tô, xe gắn máy tiêu thụ khoảng 56% lượng xăng nhưng thải ra tới 94% lượng hydrocarbure HC, 87% lượng cacbon monoxit CO, 57% lượng oxit nito NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất này xâm nhập vào phổi, thậm chí vào máu của con người sẽ gây ra các vấn đề về mắt và hệ thống hô hấp.

Nếu như ô tô kiểm định hàng năm có đo lường và kiểm soát khí thải thì với xe máy hiện tại không có quy trình nào kiểm tra. Theo thống kê, gần 1/2 số xe máy ở Hà Nội, tức là khoảng 3 triệu xe, là sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông. Xe máy càng cũ, nhiên liệu xăng dầu càng khó cháy hết, tạo ra muội than xả thẳng ra ngoài không khí, rất nguy hại cho sức khỏe.

Tại hai thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có mật độ phương tiện tham gia giao thông là rất cao, chính vì vậy mà chất lượng không khí ở hai thành phố này luôn trong tình trạng rất kém.

Bên cạnh ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động giao thông cũng ngày càng lớn đến mức báo động.. Tiếng ồn trong hoạt động giao thông đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt khi ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau.

Hiện nay, hơn 70% số chuyến đi của người dân Hà Nội là bằng xe máy. Trong thời gian 7 năm từ nay đến 2030, việc có thể thay đổi hết lượng người dân đi xe máy sang phương tiện công cộng, được các chuyên gia giao thông đánh giá là khó khả quan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không thể.

Một số chuyên gia cũng nhận định, chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được nhu cầu người dân thì mới có thể hạn chế xe máy đi vào nội đô.

Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thành phố đang tập trung đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Với “bức tranh” giao thông như hiện nay và những nhiệm vụ mới, cách làm mới... hoàn toàn có thể hy vọng về một hệ thống giao thông thủ đô hiện đại trong tương lai./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/lo-trinh-thich-hop-de-cam-xe-may-vao-noi-do-173883.htm