Lo ùn ứ, chậm kết quả khi chỉ có Hội đồng Y khoa đánh giá năng lực y, bác sỹ
Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu chỉ để Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm chạp có kết quả, sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.
Nội dung về thành lập Hội đồng y khoa quy định trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XV.
Theo dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập có chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ xây dựng, trình Bộ Y tế ban hành chuẩn năng lực nghề nghiệp, phạm vi hành nghề đối với từng chức danh chuyên môn quy định tại Điều 20 của Luật này; Xây dựng, phê duyệt bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng, trình Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn cơ sở đủ điều kiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề tại các cơ sở đủ điều kiện quy định tại điểm c Khoản này; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Cần quy định cụ thể, tránh cơ chế xin cho
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nên thuộc Bộ Y tế hay đơn vị độc lập. Dự thảo Luật Khám chữa bệnh chưa nêu rõ nhu cầu cấp thiết khi thành lập hội đồng, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ hiện nay… Dự thảo mới chỉ đang quy định Hội đồng Y khoa mang chức năng xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành các quy định, tiêu chuẩn, kiểm tra đánh giá để cấp phép liên quan các vấn đề trong ngành y tế. Trong khi đó, đây là hội đồng quyết định việc một người có được hành nghề và tiếp tục hành nghề y hay không, đánh giá những tiêu chuẩn trong ngành y dược.
Đặc biệt, nếu luật không quy định cụ thể, sẽ có nguy cơ nảy sinh vấn đề xin cho, gian lận và nhiều giấy phép con ra đời trong đánh giá, kiểm tra y bác sỹ, cơ sở y tế. Bởi vậy đại biểu cho rằng, luật cần quy định rõ bộ máy tổ chức trực thuộc đơn vị nào để không làm phình nhân sự, đảm bảo tinh gọn bộ máy và biên chế. Những điều trên cần được xem xét kỹ lưỡng trong luật, đặc biệt là hiệu quả làm việc của hội đồng.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình), đối với việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề sau thực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện, dự thảo Luật sửa đổi quy định nhiệm vụ của Hội đồng y khoa quốc gia xây dựng và phê duyệt Bộ công cụ đánh giá năng lực, xây dựng Bộ tiêu chuẩn cơ sở đủ điều kiện kiểm tra, đánh giá năng lực và tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề tại các cơ sở đủ điều kiện; giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo ý kiến của đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nếu chỉ để Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm chạp có kết quả, sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và khi tham gia thi đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh.
“Theo thông lệ quốc tế thì việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề sẽ tổ chức theo hướng của Hội đồng đại diện cho Hiệp hội hành nghề y khoa quốc gia và được Bộ Y tế cấp phép giám sát, tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện cho người hành nghề khi đăng ký tham gia”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.
Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu K' Nhiễu (Lâm Đồng) nhận định, Hội đồng Y khoa quốc gia là một tổ chức độc lập, gồm những người có chuyên môn sâu, với yêu cầu để xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thì không nên do Chính phủ thành lập mà nên quy định Hội đồng Quốc gia là một tổ chức độc lập do Bộ Y tế thành lập và chủ trì để thực hiện đúng chức năng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ.
Giấy phép hành nghề không nên trở thành gánh nặng hành chính cho y, bác sỹ
Còn theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên): "Kể cả khi thuộc Bộ Y tế thì Hội đồng Y khoa vẫn có sự độc lập, vì trong ngành y nói chuyện bằng chuyên môn, không thể áp dụng quy định hành chính. Tuy nhiên, kể cả khi để Hội đồng Y khoa đứng độc lập, thì quy định quản lý của Nhà nước cũng phải rõ ràng. Khi Hội đồng đó có vấn đề nảy sinh, thì trách nhiệm giải quyết vẫn thuộc về Bộ Y tế. Do vậy, cần phải kết hợp cả hai cơ chế này”.
Nói về đề xuất giấy phép hành nghề Y sẽ chỉ còn thời hạn 5 năm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nhân lực ngành y buộc phải cập nhật kiến thức thường xuyên. Tuy nhiên, giấy phép hành nghề không nên trở thành gánh nặng về mặt hành chính, nên quy định bác sĩ chỉ cần đáp ứng đủ các quy định là sẽ được gia hạn giấy phép.
“Tôi nghĩ các bệnh viện phải có cơ chế yêu cầu bác sĩ phải thường xuyên cập nhật kiến thức. Ngoài chuyện cơ chế pháp lý ra, chúng ra phải tin vào mặt y đức của các bác sỹ. Pháp luật không quy định hết được mà tự họ phải có ý thức cập nhật kiến thức thường xuyên. Đó mới là "cơ chế" tối cao để giải quyết mọi vấn đề. Từ đó, các bệnh viện phải giám sát đội ngũ y bác sĩ bằng đạo đức. Trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh, trách nhiệm quản lý của nhà nước sẽ tạo thành vòng tròn khép kín, lấp lại những lỗ hổng về mặt pháp lý, hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói./.