Lo xung đột, chồng chéo tại Luật Giao dịch điện tử sửa đổi
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về sự xung đột, không thống nhất trong các quy định của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi so với các luật hiện hành.
Thêm thủ tục hành chính, thêm gánh nặng
Theo Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi mới nhất ngày 20/2/2023, khoản c, Điều 48 về “Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin” quy định, các doanh nghiệp phải “Bảo đảm sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan”. Như vậy, các doanh nghiệp có nền tảng số phải kết nối, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam cho rằng, nên bỏ quy định này vì xung đột với Luật Sở hữu trí tuệ. Mặt khác, nếu sàn thương mại điện tử phải liên tục kết nối với hệ thống của cơ quan nhà nước, thì nhiều dữ liệu nhạy cảm như bí mật kinh doanh có thể bị lộ. Chưa kể tới gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi phải xây dựng một hệ thống song song với hệ thống vận hành của doanh nghiệp chỉ nhằm phục vụ mục đích giám sát của cơ quan nhà nước.
Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Thùy Trang, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, quy định trên sẽ đẻ ra thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp, có thể tạo gánh nặng cho các công ty kinh doanh trong khi hiệu quả chưa đo lường được.
Theo Luật sư Lê Thu Minh, Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam, việc yêu cầu phải có một kết nối như vậy sẽ mang lại nhiều rủi ro an ninh thông tin và bảo mật, là một điểm yếu có thể bị lợi dụng để tấn công vào hệ thống của cơ quan nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, thông tin báo cáo số liệu hoạt động trực tiếp thông qua kết nối hệ thống thời gian thực có thể tiêu tốn năng lượng và tài nguyên lưu trữ một cách không cần thiết.
Xung đột với các luật khác
Bên cạnh vấn đề nói trên, nhiều ý kiến của các luật sư, doanh nghiệp cũng chỉ ra sự xung đột, không thống nhất giữa Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi với các luật hiện hành.
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Thư (Công ty Luật TNHH ALB & Partners), quy định về “Chứng từ điện tử” tại khoản 8, Điều 3 của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi không đồng nhất với định nghĩa “Chứng từ điện tử” được nêu tại khoản 5, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ; quy định về “Dữ liệu điện tử” tại Dự thảo không thống nhất với quy định tại Điều 99, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Quản lý thuế…
“Hình thức giao dịch bằng phương tiện điện tử theo Bộ luật Dân sự 2015 được xem là có giá trị như giao dịch bằng văn bản. Quy định ‘có giá trị như các phương thức giao dịch khác theo quy định của pháp luật’ tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi mâu thuẫn với điều khoản quy định tại Bộ luật Dân sự 2015”, Luật sư Thư nêu ví dụ.
Luật sư Lê Thu Minh cũng cho rằng, các quy định tại Điều 52, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi quy định về việc bảo vệ thông điệp dữ liệu đang chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, cũng như Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định về việc xử lý và thông báo sự cố an toàn thông tin mạng. Quy định thêm điều này trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là không cần thiết. “Trên thực tiễn về bảo vệ dữ liệu ở các nước, chỉ có các sự cố và vi phạm xâm hại trực tiếp đến dữ liệu cá nhân của người dùng mới cần phải thông báo đến người dùng. Các sự cố khác không liên quan đến dữ liệu người dùng, nếu được thông báo cho người dùng, sẽ tạo ra sự phiền nhiễu không đáng có, lãng phí tài nguyên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ và của quốc gia”, Luật sư Minh phân tích.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải đáp những thắc mắc trên, đồng thời khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Luật Giao dịch điện tử sẽ được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và đảm bảo có độ phủ rộng, chi phí thấp hơn trong môi trường thực, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ, đảm bảo tin cậy cho giao dịch trên môi trường số.