Loại bánh trước kia vua rất thích, thời nay mang lại đời sống ấm no cho cả làng
Sau khi ăn thấy lạ, ngon, độc đáo nên nhà vua ban chỉ hằng năm phải dâng loại bánh này lên vua…Thời nay, có hàng trăm hộ sản xuất bánh, mỗi một hộ gia đình mang một phong cách và đặc trưng riêng.
Từ lâu, làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã nổi tiếng với nghề làm bánh cáy. Đây là món bánh kết tinh của hương đất, hương đồng, xưa kia được dùng như một sản vật để tiến vua. Trải qua bao biến động của lịch sử, bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại và phát triển, trở thành sản phẩm đặc trưng của người dân nơi đây.
Ở xã Nguyên Xá có nhiều hộ sản xuất bánh cáy, mỗi một hộ gia đình mang một phong cách và đặc trưng riêng, dù đều cùng học theo một tổ nghề. Nhiều người có cùng tâm huyết đã đầu tư, quảng cáo loại bánh truyền thống này; bánh cáy hiện nay đã lấy được uy tín trên thị trường.
Theo những người lớn tuổi kể lại, bánh do bà Nguyễn Thị Tần (1725 - 1800), đời thứ 6 tộc họ Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) sáng chế. Bà là con gái thứ của cụ thủ khoa Phúc Đình Hầu Nguyễn Đoan Tước hàm chánh xứ, tư thừa chánh xứ trong triều.
Vốn là người thông minh, học giỏi, năm 1739, bà được tuyển vào cung phụ trách dạy bảo công chúa và các phi tần. Trong cung vua phủ chúa, bà được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, nhưng vốn xuất thân nơi thôn dã nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội mà nhân dân làm ra bà đã sáng chế ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị.
Sau khi đem tiến vua, được vua Lê Hiển Tông khen ngon liền đặt tên là bánh cáy vì nhìn miếng bánh có xen nhiều màu sắc bắt mắt trông giống trứng con cáy. Từ đó, bánh cáy gắn liền với quê hương Nguyên Xá và được lưu truyền, phát triển trong xã cho đến ngày nay.
Hiện nay, các di tích lưu niệm nhân vật lịch sử của nghề làm bánh cáy vẫn được người dân trong xã gìn giữ và tôn thờ. Ngày 10/10/2014, khu di tích đền thờ, từ đường và lăng mộ tổ nghề bánh cáy đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Vẫn gắn bó với việc sản xuất ra món bánh quê hương, nhưng để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều cơ sở làm bánh cáy đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp cơ sở làm bánh. Dù sản xuất không kịp bán nhưng các chủ cơ sở làm bánh ở đây không chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng bánh lên hàng đầu, từ việc chú ý pha chế nguyên liệu sao cho bánh ngon đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng công đoạn.
Để sản xuất ra những chiếc bánh ngon lại thuộc về tâm huyết của những người thợ đã bao đời nay gắn bó với món ăn cổ truyền của quê hương. Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi, cắn miếng bánh thấy lạ miệng khi trong đó có mứt bí, gừng tươi cay nồng.
Xưa kia, người làng Nguyễn vẫn có thói quen xếp bánh cáy vào ang sành, đậy kín bằng lá chuối khô để dành ăn dần. Khi ăn, bánh cáy sẽ được cắt thành từng lát. Nhìn lát bánh lốm đốm những màu nâu, trắng, vàng, hồng, xanh đan xen, ta lại tưởng như thấy một mảng tranh đầy màu sắc.
Người dân làng Nguyễn xem bánh cáy như một thứ quà đặc biệt dành biếu ông bà, cha mẹ hay những người thân để tỏ lòng kính trọng, yêu thương. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, tết, cúng giỗ tổ tiên, trên bàn thờ trong mỗi gia đình ở làng Nguyễn đều không thể thiếu phong bánh cáy. Tàn nén hương, người trụ cột trong gia đình cắt và chia đều miếng bánh cho mọi người, để con cháu trong lúc nhâm nhi thêm nhớ về nguồn cội của mình. Với khách đến chơi nhà, đĩa bánh cáy quê hương chính là món quà thể hiện lòng mến khách của gia chủ.
Kỳ Phong