Mười một chiếc máy bay chiến đấu tấn công Super Étendard của lực lượng không quân hải quân Argentina sẽ phải loại khỏi biên chế chiến đấu, khi không còn phụ tùng thay thế. Như vậy, không quân hải quân Argentina hiện không có máy bay chiến đấu nào.
Theo thông tin từ trang @MindefArg của Argentina, Quân đội Argentina đã chính thức quyết định, họ sẽ không cố gắng khôi phục những chiếc chiến đấu cơ Super Étendard nữa, do không tìm được nguồn phụ tùng thay thế.
Những chiếc máy bay chiến đấu Super Étendard Modernisé được Pháp sản xuất vào cuối thập niên 1970. Vào năm 2019, 5 chiếc được Pháp chuyển giao cho Argentina, tuy nhiên chúng chưa bao giờ cất cánh do thiếu ghế phóng của phi công, do lệnh cấm vận của Anh (ghế phóng do Anh sản xuất).
Không quân hải quân Argentina có 14 chiếc máy bay Super Étendard Modernisé; nhưng ba chiếc trong số này đã bị tai nạn và Hải quân Argentina chỉ còn lại 11 chiếc trong biên chế. Tuy nhiên, chúng đã không bay trong những năm gần đây.
Năm chiếc Super Étendard được Pháp bàn giao vào năm 2019, nhưng chưa bao giờ có cơ hội cất cánh trên bầu trời Argentina. Số máy bay này đến Argentina mà không có các bộ phận quan trọng, trong đó có ghế phóng Martin Baker Mk 4A, do Anh không cho phép bàn giao.
Nếu Anh cấm vận ghế phóng, thì Argentina có thể tìm thấy ghế phóng từ công ty khác, như Task Aerospace chẳng hạn mà không có bất kỳ thành phần nào của Anh. Nhưng điều đó cũng không giải quyết được vấn đề, đối với các phụ tùng thay thế do chính Pháp sản xuất.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Jorge Taiana cho biết, hiện các phụ tùng và linh kiện của máy bay chiến đấu Super Étendard không còn có thể được cung cấp, vì chúng không còn được sản xuất nữa.
Máy bay chiến đấu Super Etendards của Argentina đã từng là một “huyền thoại bầu trời” và là “biểu tượng chiến thắng” cùng với tên lửa chống hạm Exocet (Cá bay). Trong Chiến tranh Falklands/Malvinas (từ 2/4 đến ngày 14/6/1982), máy bay Super Etendard của Argentina đã dùng tên lửa Exocet, đánh chìm hai tàu của Hải quân Anh.
Sáng ngày 4/5, hai chiếc Super Etendards của Argentina đã tấn công tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMS Sheffield Type 42 của Anh. Hai máy bay Argentina đã phóng tên lửa chống hạm AM39 Exocet.
Mặc mặc dù tên lửa chống hạm của Argentina không thể đánh chìm tàu chiến Anh, nhưng đã làm thiệt hại nặng con tàu. Sáu ngày sau (vào ngày 10/5/1982), con tàu đã bị chìm khi đang được lai dắt về cảng, khiến 20 thủy thủ thiệt mạng.
Mười ngày sau vụ chìm tàu HMS Sheffield, tình hình được lặp lại. Vào ngày 21/5, tàu khu trục HMS Ardent (số hiệu F184) của Hải quân Hoàng gia Anh bị ít nhất ba chiếc Super Etendard của Argentina tấn công. Họ phóng vào tàu bằng tên lửa chống hạm AM39 Exocet do Pháp sản xuất; 22 thủy thủ Anh thiệt mạng trong ngày hôm đó.
Super Etendard là một loại máy bay tiêm kích tấn công trên tàu sân bay của Pháp, do công ty Dassault-Breguet của Pháp phát triển; hiện loại máy bay này không còn được sản xuất.
Việc sản xuất loại máy bay Super Etendard bắt đầu vào năm 1974 và dừng lại 9 năm sau đó (vào năm 1983). Trên thực tế, Argentina là quốc gia cuối cùng sử dụng loại máy bay chiến đấu này. Hai nước còn lại là Pháp và Iraq, đã cho Super Etendard loại khỏi biên chế từ lâu.
Super Etendard là máy bay chiến đấu một chỗ ngồi, sử dụng một động cơ tuốc bin phản lực Snecma Atar 8K-50, cung cấp lực đẩy 49 kN. Tốc độ tối đa mà động cơ mang lại cho máy bay là 1.205 km/h. Bán kính hoạt động tối đa là 1.820 km, nhưng bán kính chiến đấu chỉ 850 km.
Về trang bị vũ khí, Super Étendard trang bị hai pháo hàng không 30 mm DEFA 552 với cơ số đạn 125 viên/khẩu. Có tổng cộng sáu giá treo mang tên lửa và bom, bốn trong số đó nằm dưới cánh và hai trong số đó nằm dưới thân máy bay.
Ngoài tên lửa chống hạm AM-39 Exocet đã đề cập, chiếc máy bay này còn có thể mang tên lửa hạt nhân Air-Sol Moyenne Porteé, AS-30L, tên lửa không đối không Matra Magic cũng như tên lửa không dẫn đường thông thường hoặc tên lửa (bom) dẫn đường bằng laser.
Tình hình hiện nay của Hải quân Argentina rất nguy cấp ngay cả trước khi 11 chiếc Super Etendard được cho loại biên. Tuy nhiên, Argentina hiện không có máy bay tấn công hải quân, điều này càng làm khó khăn thêm tình trạng năng lực hải quân của nước này.
Hiện không quân hải quân Argentina còn khoảng 10 máy bay huấn luyện T-34 Mentor do Mỹ sản xuất, nhưng cũng đã rất cũ, do được sản xuất từ năm 1978. Ngoài ra họ có 4 máy bay tuần tra hàng hải P-3B Orion, nhưng hiện tại chúng cũng không bay được, vì không được sửa chữa và nâng cấp.
Lực lượng không quân Argentina nói chung và không quân hải quân nói riêng không thể mua sắm máy bay chiến đấu mới vì sự ngăn cản của Anh. Mỹ không bán máy bay chiến đấu cho Argentina, nhưng cũng kiên quyết ngăn cản nước này mua máy bay chiến đấu hiện đại của Nga hay Trung Quốc. Ảnh: Aviation, History.
Tiến Minh (theo SA Defensa, History)