Loại bỏ 'cơ chế xin - cho' trong nền hành chính ngành Tài nguyên và Môi trường
Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung về cải cách hành chính để việc triển khai, thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường tiếp tục hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác cải cách hành chính; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ số để đảm bảo những mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đề ra.
Hoàn thiện thể chế pháp luật về Tài nguyên và Môi trường, tháo gỡ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều thiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp hướng tới xây dựng nền hành chính của ngành Tài nguyên và Môi trường phục vụ, loại bỏ "cơ chế xin - cho", hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, quan liêu, xa rời thực tế trong từng cán bộ, công chức.
Ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng nền công vụ hiện đại, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức, phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu của nền hành chính số.
Ngành tập trung phát triển, hiện đại hóa hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn; hoàn thiện Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công dân, các thủ tục hành chính. Ngành phấn đấu tiếp tục chuẩn hóa, đơn giản hóa, giảm thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thiện, tăng cường cơ chế tương tác giữa Trung ương và địa phương, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ với người dân, doanh nghiệp, hướng tới sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Với quyết tâm chính trị, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng, Thứ trưởng, thủ trưởng các đơn vị, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá một cách toàn diện. Trong số những kết quả đạt được trong Quý I năm 2024, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường được đánh giá cao. Tại Hội nghị công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX 2023) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 87,01 điểm (xếp thứ 5 trên tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022).
Theo đó, có những lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường được đánh giá cao: Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính đạt 11,15/12,5 điểm; lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 7/7 điểm; lĩnh vực cải cách chế độ công vụ: 8,5/8,5 điểm. Đối với phần điều tra xã hội học cũng đánh giá chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Bộ đạt 1,81/2 điểm; chất lượng quy định thủ tục hành chính: 3,11/4 điểm…