Loại bỏ điểm kinh doanh bánh trung thu không bảo đảm an toàn thực phẩm
Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Trung thu, nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại bánh trung thu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Phát hiện, bắt giữ lượng lớn bánh trung thu nhập lậu
Chỉ còn khoảng gần 10 ngày nữa là tới Tết Trung thu, thời điểm này, thị trường bánh trung thu bắt đầu khá sôi động. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù năm nay, các loại nguyên liệu để làm bánh trung thu có giá tăng khá cao so với mọi năm, song trên thị trường giá bánh tăng không đáng kể, khoảng 5 đến 10%.
Với dòng sản phẩm bánh trung thu cao cấp, nhằm phục vụ nhu cầu làm quà tặng của khách hàng nên mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, sang trọng, nguyên liệu làm nhân bánh là loại thực phẩm cao cấp như: Vi cá, bào ngư, trứng cá hồi, yến sào... Giá bán của sản phẩm bánh trung thu cao cấp dao động từ 700 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng.
Đối với các loại bánh trung thu truyền thống, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn rất đa dạng, phong phú với nhiều hương vị, loại bánh và loại nhân khác nhau. Bánh nướng, bánh dẻo truyền thống có trên 40 loại sản phẩm để khách hàng lựa chọn, giá bán cũng dao động từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng tùy theo trọng lượng bánh từ 100 gam đến 250 gam. Bên cạnh các loại nhân bánh truyền thống như đậu xanh, hạt sen, trứng hay thập cẩm, các hãng sản xuất cũng đưa ra thêm nhiều nhân bánh như vi cá, gà quay, socola... để thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mỗi năm đến mùa Tết Trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm, bánh trung thu nhập lậu lại khiến dư luận không khỏi bất an. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh bánh trung thu có dấu hiệu nhập lậu với số lượng lớn.
Điển hình, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) đã kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ: Số 340 đường Bờ Tây Sông Nhuệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng hóa là bánh trung thu các loại, Đội Quản lý thị trường số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên 180 triệu đồng.
Trước đó, cũng tại quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ 4.608 chiếc bánh trung thu Bibizan có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu tại đường Thụy Phương, phường Đức Thắng.
Các vụ việc đang được lực lượng chức năng xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Trước tình hình hoạt động nhập lậu bánh trung thu tăng mạnh, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bánh, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm; kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu.
Mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng bánh handmade vẫn không hề dễ dàng. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức chia sẻ, theo quy định, các hộ nhỏ lẻ sản xuất bánh trung thu handmade có quyền bán trên các kênh thương mại điện tử nhưng phải đăng ký với Nhà nước. Tuy nhiên, muốn giám sát, kiểm soát đòi hỏi sự hợp tác từ phía các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm Trung thu năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian này, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Đối tượng, địa bàn kiểm tra là các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn thành phố; các cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường chú trọng tập trung vào kiểm tra sản phẩm bánh trung thu và nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì; khách sạn, nhà hàng có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu...
Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2023. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hoạt động kiểm tra chú trọng các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát…; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trong công tác kiểm tra.
Trường hợp cơ sở tiến hành hoạt động kinh doanh thực phẩm qua hình thức thương mại điện tử thì hoạt động kiểm tra bao gồm cả việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại điện tử theo quy định… Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu không đúng nơi quy định, không bảo đảm an toàn thực phẩm và vi phạm trật tự công cộng…