Loài bọ được mệnh danh là 'sát thủ mùa màng', bắt về đem bán đếm tiền mỏi tay

Không chỉ trở thành đặc sản được yêu thích trên khắp thế giới, loài côn trùng này còn mang lại doanh thu khổng lồ cho người nông dân.

Biến loài bị ghét bỏ thành đặc sản “hái ra tiền”

Từng là loài côn trùng bị nông dân ghét bỏ vì chuyên phá hoại mùa màng, châu chấu ngày nay lại trở thành món đặc sản giúp nhiều người hốt bạc ở nhiều nước châu Á.

Ở Việt Nam, châu chấu thường được rang với lá chanh, đây là món đồ nhắm yêu thích của nhiều thực khách. Giá bán châu chấu dao động từ 130.000 - 150.000đ/kg, có thời điểm lên đến hơn 400.000đ/kg.

Tại Trung Quốc, châu chấu còn được làm thành món xiên nướng “đắt khách”. Tại phố đồ nướng ở huyện Shen, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, mỗi ngày có hàng nghìn xiên châu chấu được bán ra.

Cách khu phố này 20km là thị trấn Xu Zhuang thuộc huyện Shen, đây là nơi có hơn 50 hộ nông dân nuôi châu chấu, mang lại doanh thu hàng năm hơn 20 triệu NDT (gần 68 tỉ đồng). Châu chấu ở đây sau khi thu hoạch sẽ được làm sạch, gia công, xâu thành từng xiên với giá bán 3-4 NDT (10.000 -13.500đ)/xiên.

Tại thị trấn Xu Zhuang, ông Vương Thanh Minh là người sở hữu trang trại nuôi châu chấu lớn nhất. 2 năm trước, ông trở về quê hương sau khi kết thúc công việc kỹ sư của mình và quyết định chuyển hướng sang nuôi châu chấu.

Ban đầu, ý tưởng này vấp phải sự phản đối của con trai ông. Tuy nhiên, ông Minh vẫn hạ quyết tâm thực hiện bằng được.

Năm 2022, ông đã đầu tư hơn 4 triệu NDT (13,5 tỉ đồng) để xây dựng hơn 30 nhà kính chăn nuôi, đồng thời tuyển hơn 20 người già ở độ tuổi 60 và 70 từ các làng lân cận đến làm việc.

Dù ban đầu gặp phải nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm nuôi châu chấu, song đến lứa châu chấu thứ 2, ông đã nhân giống chúng thành công. Ông còn tìm cách trồng loại cỏ năng suất cao, có thể mọc cao tới 2m, rất thích hợp làm thức ăn cho đàn châu chấu. Ngoài ra, ông còn trồng cùng lúc nhiều loại cỏ để có thể thu hoạch lần lượt, nhằm đáp ứng liên tục nhu cầu về thức ăn cho châu chấu.

Sau nhiều chu kỳ sinh sản, số lượng châu chấu dần tăng lên đều đặn nhưng lại nảy sinh một vấn đề mới. Những người làm thuê phàn nàn rằng công việc quá mệt mỏi và muốn bỏ cuộc.

Hầu hết nhân công mà ông Minh tuyển dụng đều là những người già ở làng lân cận. Mỗi chuồng châu chấu có diện tích 500 mét vuông, hàng ngày họ phải cắt cỏ và cho chúng ăn cỏ, rất tốn công và tốn thời gian. Ngoài ra, việc có nhiều người đi lại trong chuồng châu chấu có thể vô tình giẫm bẹp một số châu chấu.

Tối ưu chi phí, công sức chăn nuôi bằng cách chưa ai từng thử

Để giải quyết vấn đề này, ông Minh đã nghĩ ra một cách. Ông lắp đặt một đường ray xuyên suốt nhà kính và đặt một chiếc xe goòng. Bằng cách này, các nhân công chỉ cần ngồi trên xe goòng là có thể dễ dàng di chuyển khắp nơi trong chuồng để cho châu chấu ăn mà không tốn sức, thời gian cho ăn cũng rút ngắn hơn rất nhiều. Đồng thời, đường di chuyển được cố định nên cũng tránh được tình trạng châu chấu vô tình bị giẫm chết.

Năm 2023, ông Minh đã xây dựng được hơn 60 nhà kính nuôi châu chấu. Sau đó, ông hợp tác với Phương Ái Long - một chủ trang trại châu chấu ở gần đó để tối ưu phương pháp chăn nuôi.

Ái Long đã chỉ cho ông cách cho châu chấu ăn cám lúa mì pha với nước. Việc này không chỉ giảm thiểu được tình trạng thiếu nguồn thức ăn thô mà còn giúp châu chấu lớn và khỏe mạnh hơn. Sản lượng châu chấu nhờ vậy cũng tăng lên khoảng 10%. Ngoài ra, họ còn tìm cách để nâng cao hiệu quả sinh sản của châu chấu.

Kế đó, họ cần cải thiện thêm hiệu suất thu hoạch châu chấu. Ông Minh đã nghĩ ra một cách, dùng vải cản sáng che nhà kính để tạo ra một môi trường tối. Bằng cách này, châu chấu sẽ chạy về nơi có ánh sáng. Ông Minh chỉ cần đợi ở nơi có ánh sáng là có thể dễ dàng bắt được châu chấu. Phương pháp này không chỉ nâng cao hiệu quả thu hoạch mà còn giúp giảm cường độ lao động cho các nhân công lớn tuổi.

Sau khi đã ổn định được quá trình chăn nuôi châu chấu, ông Minh phải tiếp tục tìm cách xử lý tình trạng giá mua châu chấu lên xuống thất thường. Ông đã đầu tư hơn 6 triệu NDT (20,3 tỉ đồng) để thành lập nhà máy chế biến châu chấu với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Bằng cách đông lạnh châu chấu, ông đã kéo dài chu kỳ bán hàng và giải quyết được vấn đề giá thấp khi nguồn cung quá dồi dào.

Đồng thời, ông còn phân loại châu chấu theo chất lượng cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Ông bán châu chấu đã cắt bỏ cánh với giá 60 NDT (204.000đ)/kg, cao hơn nhiều so với giá châu chấu thông thường.

Theo gợi ý của con trai, ông còn bổ sung một dây chuyền sản xuất châu chấu xiên rồi bán cho các nhà hàng đồ nướng. Nhờ vậy, sản phẩm của ông đã được bán khắp Trung Quốc.

Trong quá trình làm sạch châu chấu sẽ tạo ra một số sản phẩm lỗi, phần cánh châu chấu bị cắt bỏ cũng trở nên dư thừa. Những thứ này trước đây đều bị coi là rác và bị vứt bỏ, nhưng ông Minh lại tận dụng chúng để nuôi gà. Đàn gà sau đó sẽ đẻ trứng có giá trị dinh dưỡng cao hơn, giá bán cũng tốt hơn trứng gà thông thường, khoảng 3-4 NDT (10.000 - 13.500đ)/quả.

Hiện tại, cơ sở chăn nuôi châu chấu của ông Minh đã có quy mô khổng lồ, hợp tác với hơn 50 hộ nông dân, mang lại doanh thu hàng năm hơn 20 triệu NDT (gần 68 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-bo-duoc-menh-danh-la-sat-thu-mua-mang-bat-ve-dem-ban-dem-tien-moi-tay-204250601035106768.htm