Loại bỏ thuốc BVTV chứa Paraquat: Quyết định cần thiết
(Baoquangngai.vn)- Mới đây, Bộ NN-PTNT đã quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đồng tình với quyết định này, vì nó góp phần cứu sống hàng nghìn người mỗi năm và từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật -Bộ NNPTNT, các tổ chức quốc tế đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước đã kết luận hoạt chất 2.4D và Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người. Cụ thể, 2.4D rất độc với mắt (xếp loại độ độc 1 đối với mắt), có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.
Paraquat có khả gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim, bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc. Khi hấp thu vào đất, Paraquat phân hủy chậm DT50 từ 7-20 năm do thuốc đã bị keo đất giữ chặt và trở thành chất trơ không hoạt động. Trong nước, Paraquat không bị thủy phân hoặc quang phân.
Hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D có tới 36 tên thương phẩm; hoạt chất Paraquat có tới 46 tên thương phẩm. Các hoạt chất này vào nước ta phải qua nhập khẩu, chứ không thể tự sản xuất được. Hiện nay, trong số 74 hoạt chất thuốc trừ cỏ nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, có 13 hoạt chất có thể thay thế 2.4D để trừ cỏ dại hiệu quả trên đa dạng các loại cây trồng cũng như vùng đất không trồng trọt. Vì vậy, việc Bộ NNPTNT loại bỏ 2.4D ra khỏi Danh mục thuốc BVTV là hết sức kịp thời, cấp thiết.
Trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia (27 nước Châu Âu và các nước Kuwait, Bờ Biển Ngà, Syria, các tiểu vương quốc Arab, Campuchia, Ấn Độ; Trung Quốc và rất nhiều quốc gia hạn chế sử dụng) chủ yếu vì lý do ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hoạt chất 2.4D bị cấm tại một số nước châu Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch; một số bang của Canada, Úc và Nam Phi.
Quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất 2.4D và paraquat (hóa chất diệt cỏ) ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam còn góp phần cứu sống hàng nghìn người mỗi năm, vì nạn tử tự bằng thuốc diệt cỏ chứa Paraquat. Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc paraquat dẫn đến tử vong chiếm từ 70-90%. Đa số bệnh nhân tử vong sau 3-10 ngày, thậm chí có trường hợp tử vong sau 3 tháng ngộ độc do xơ phổi, suy hô hấp.
Còn những người được cứu sống, chi phí điều trị rất lớn. Chỉ tính riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị. Tuy nhiên, sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.
Chỉ tính tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở y tế tuyến cuối về tiếp nhận các trường hợp ngộ độc trên cả nước, trong năm 2015 ghi nhận hơn 300 ca ngộ độc paraquat, năm 2016 là 450 ca. Các bệnh nhân đa phần trẻ tuổi, có ý định tự tử với nhiều lý do khác nhau, song tỷ lệ cứu sống người bệnh rất thấp.
Không chỉ hai loại chất 2,4D và Paraquat độc hại mà hầu hết các loại thuốc BVTV đều rất độc hại, phải hạn chế sử dụng nếu không thật sự cần thiết. Lâu nay phần đông nông dân đều mua và phun xịt thuốc BVTV một cách máy móc, không có ý thức hạn chế sử dụng. Hầu hết nông dân đều chỉ quan tâm tới hiệu quả sử dụng, rất ít người để ý loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ đó có thành phần gì, nguy hiểm ra sao. Họ thấy người này dùng hiệu quả thì dùng theo, các nhãn hiệu thuốc BVTV cứ vậy mà lan khắp các cánh đồng.
Vì vậy, cùng với việc loại bỏ dần các loại thuốc BVTV độc hại, đã đến lúc cần có chiến lược để hướng đến sản xuất sạch. Bên cạnh đó, cần phải siết yêu cầu về hàng rào kỹ thuật với kinh doanh thuốc BVTV. Những người bán thuốc BVTV ở các đại lý kinh doanh thuốc diệt cỏ, trừ sâu phải được đào tạo ít nhất là sơ cấp về trình độ chuyên môn, từ 6 tháng trở lên.