Loại bỏ tình trạng cấp trên 'hợp thức hóa' cho cấp dưới

Thủ tướng yêu cầu xây dựng luật theo hướng phân cấp, hậu kiểm, cắt giảm thủ tục và bỏ khâu 'hợp thức hóa' từ cấp trên.

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2025 diễn ra sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo việc xây dựng các luật đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khâu trung gian, loại bỏ việc cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe nghe tờ trình, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định, đồng thời thảo luận sôi nổi về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế).

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là trong năm nay phải cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung nguồn lực vật chất, con người cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; đặc biệt các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải dành nhiều thời gian hơn và trực tiếp chỉ đạo, tham gia xây dựng thể chế, pháp luật.

Nhấn mạnh một số yêu cầu, quan điểm trong công tác này, Thủ tướng chỉ đạo cần rà soát kỹ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

Thủ tướng yêu cầu các luật phải bám sát thực tiễn; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất; tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả; luật chỉ quy định các vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết.

Các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 sao" gồm: vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền; các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: (1) Rõ về phân cấp, phân quyền, (2) rõ quan điểm, nguyên tắc, (3) rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, (4) rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa, (5) rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật, (6) rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau.

Nhấn mạnh, nội dung luật phải được diễn đạt ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan soạn thảo cần cầu thị lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, đối tượng bị tác động và tham khảo quốc tế; phát huy dân chủ trong thảo luận, tạo sự đồng thuận sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ các Dự án luật; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện các dự thảo luật đảm bảo thời gian, chất lượng.

Tiến Cường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/loai-bo-tinh-trang-cap-tren-hop-thuc-hoa-cho-cap-duoi-348599.htm