Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ vướng mắc, đưa thể chế từ 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' thành lợi thế cạnh tranh quốc gia
Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025 để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2025. (Ảnh: Trần Hải).
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo chương trình tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận 8 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế); Dự án Luật Báo chí (thay thế); đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua gần 7 tháng của năm 2025, công tác xây dựng pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành tích cực thực hiện và đạt hiệu quả cao. Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Nhiều văn bản pháp luật đã được thông qua, kịp thời phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và các cơ quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, nếu có những vướng mắc, bất cập phát sinh sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, yêu cầu.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trần Hải).
Sau khi các Luật được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành cũng khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để pháp luật kịp thời đi vào cuộc sống. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, trong năm 2025, Chính phủ cố gắng rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, thúc đẩy kiến tạo, phát triển.

Các thành viên Chính phủ, các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, tham gia công tác xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng yêu cầu tại Phiên họp, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, xem xét, cho ý kiến vào các nội dung, bảo đảm thời gian, chất lượng; khẩn trương giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn và kiến tạo cho phát triển.
Theo các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, việc xây dựng đề xuất Chương trình lập pháp năm 2026, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa rất quan trọng, được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, với khoảng 40 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong năm 2026.
Các dự án luật được cho ý kiến thông qua tại Phiên họp cũng tạo lập nền tảng pháp lý rất quan trọng trên các lĩnh vực.
Sau khi cho ý kiến về từng nội dung thảo luận, phát biểu kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm là cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật trong năm 2025, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên dành thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Nhấn mạnh một số yêu cầu, quan điểm trong công tác này, Thủ tướng chỉ đạo cần rà soát kỹ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm mục tiêu vừa kịp thời về thời gian, tiến độ, vừa nâng cao chất lượng: bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất; các công cụ pháp lý phải sát thực tế, tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả.
Luật quy định các vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, cái gì đã chín đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì luật hóa, áp dụng vào thực tiễn; những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng yêu cầu các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 sao" gồm: vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền; các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: rõ về phân cấp, phân quyền; rõ quan điểm, nguyên tắc; rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân; rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa; rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật; rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau. Việc diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Thủ tướng lưu ý cần cầu thị lắng nghe các ý kiến, phát huy dân chủ trong thảo luận, tạo sự đồng thuận sâu rộng; chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngay từ khi khởi thảo các hồ sơ chính sách, dự án luật.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội; phân công các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết Phiên họp để thống nhất triển khai...