Loài cá có thịt màu xanh thay 20 chiếc răng mỗi ngày
Nghiên cứu mới được công bố vào tháng 11 trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B, cho thấy cá mú bông rụng và mọc lại 20 cái răng mỗi ngày.
Tốc độ mọc răng ấn tượng của cá mú bông đã mở ra hướng nghiên cứu về khả năng thay răng của loài cá nói chung.
Thịt màu xanh ngọc
Cá mú bông Thái Bình Dương (Pacific lingcod) thuộc họ cá mú xanh (greenling), có tên khoa học là Hexagrammidae. Cá mú bông được tìm thấy tại bờ biển phía Tây Bắc Mỹ, Mexico ở độ sâu từ 10 - 100m với kích thước trung bình khi trưởng thành khoảng 70cm. Nhiều cá thể có thể dài tới 1m.
Là một trong những loài cá đặc biệt nhất hành tinh, khoảng 20% cá mú bông có thịt màu xanh ngọc như màu nước biển. Số còn lại có thịt màu trắng nhạt.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do đằng sau màu sắc đặc biệt này nhưng giả thuyết cho rằng, chúng thường xuyên ăn các loại thực vật chứa nhiều diệp lục. Cùng với nguyên nhân trên, ngoài cá lingcod thì cá đá xanh (greenling rock), cá tảo bẹ xanh (kelp greenling), cá bống cabezo đôi lúc cũng có thể đổi màu thịt.
Thuộc loài săn mồi, cá mú bông có khoảng 500 chiếc răng sắc nhọn, sắp xếp lộn xộn và nhô ra khỏi hàm giúp chúng đủ khả năng nghiền nát mọi thứ, từ những loài thân mềm đến động vật giáp xác. Cá mú bông có thể nghiền nát bất cứ thứ gì nhét vừa miệng. Kẻ thù duy nhất của chúng là sư tử biển, hải cẩu…
Từ lâu, các nhà khoa học đã quan tâm đến cách thức hoạt động của bộ răng có sức hủy diệt lớn này. Và nghiên cứu mới đây đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề trên.
Bà Emily Carr, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: Hàm răng của cá mú bông gồm hàm miệng và hàm họng. Hàm miệng của chúng khá giống cấu trúc hàm răng của con người nhưng cá mú bông linh hoạt hơn. Những chiếc răng có thể xòe ra phía trước bất cứ lúc nào để chúng tóm gọn con mồi. Nếu nhìn vào bên trong vòm miệng của cá mú bông, bạn sẽ thấy nó được bao phủ bởi rất nhiều răng.
Ở phía sau cổ họng, ngay trước thực quản của chúng, là các hàm yết hầu. Bệ xương có răng được hình thành từ vòm mang đã tiến hóa. Khi cá mú bông tấn công con mồi, hàm trước của chúng sẽ xòe ra phía trước và kéo con mồi vào sâu trong hầu họng để bắt đầu nghiền nát và cắt nhỏ con mồi.
Hàm miệng của chúng được sử dụng để bắt và nghiền nát con mồi trong khi hàm yết hầu của chúng, được đặt trong cổ họng, được sử dụng để nhai thức ăn và di chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Tuy dễ bị gãy, những chiếc răng này cực kì sắc và không bị xỉn màu.
Thay răng hàng ngày
Để nghiên cứu về cấu trúc răng của loài này, nhóm nghiên cứu đã tách riêng 20 con cá mú bông trong phòng thí nghiệm. Những con cá được thả vào bể nước biển pha thuốc nhuộm màu đỏ để nhuộm răng trong 12 giờ.
Sau đó 10 ngày, những con cá mú bông này được thả vào bể nước thứ hai pha thuốc nhuộm màu xanh lá cây. Những chiếc răng cũ vẫn còn màu đỏ trong khi răng mới mọc sẽ có màu xanh và có thể dễ dàng phân biệt nhờ màu sắc.
Sau khi phân loại hơn 10.000 chiếc răng, bà Carr nhận thấy, cá mú bông giữ răng sắc, trắng sáng bằng cách thay thế khoảng 3%, tương đương 20 chiếc răng, mỗi ngày. Răng ở hàm họng, nơi diễn ra quá trình nghiền nát thức ăn, được thay thế thường xuyên hơn.
Điều này trái ngược với những loài cá có răng sắc nhọn khác như cá mập trắng lớn, loài có răng to dần từ trong hàm ra phía trước.
Tiếp đó, các nhà khoa học thử nghiệm thả hai nhóm cá mú bông vào hai bể khác nhau. Một bể cá được cho ăn, một bể không. Tốc độ thay răng giữa hai nhóm này không khác nhau. Điều đó chứng tỏ cá mú bông không thay răng do bị gãy răng trong quá trình săn mồi.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra quá trình thay răng ở cá mú bông giống với con người. Răng rụng sẽ được thay thế bằng răng cùng loại và răng không phát triển lớn lên theo thời gian.
Quá trình thay răng của cá mú bông tương tự việc trẻ em thay răng. Chúng rụng và mọc phụ thuộc vào thời gian nhưng thời gian của cá mú bông được tính theo ngày thay vì theo độ tuổi như con người.
Sở dĩ cá mú bông phải thay răng liên tục do nếu răng bị xỉn, chúng khó có thể tóm gọn con mồi. Khả năng rụng và mọc răng thay thế có thể là sự tiến hóa ấn tượng của loài này để tồn tại dưới đại dương.
Phần lớn những gì các nhà khoa học biết về quá trình thay răng ở cá đến từ cá mập, loài có nhiều hàng răng bên trong hàm liên tục được bổ sung và những loài cá khác có hàm răng khác thường.
Nhưng răng cá mập có những điểm khác biệt đáng kể so với răng được tìm thấy ở phần lớn các loài cá, đó là lý do tại sao những phát hiện về cá mú bông có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hiện tượng thay răng ở cá.
Quy trình mọc răng của cá mú bông là mô hình mới mẻ trong thế giới loài cá nhưng không phải điều bất thường trong tự nhiên. Nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về sự phát triển của loài cá, hứa hẹn tìm ra những sinh vật biển khác có khả năng thay răng tương tự.