Loài cá mù phát hiện trong sông ngầm ở Phong Nha - Kẻ Bàng có gì đặc biệt?

Speolabeo hokhanhi là một trong những loài cá mù đặc hữu hiếm hoi trên thế giới. Chúng đại diện cho khả năng thích nghi sinh học tuyệt vời trong điều kiện khắc nghiệt.

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) nổi tiếng với những hang động hùng vĩ nằm trong hệ sinh thái rừng nguyên sinh. Đây là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật quý hiếm. Thậm chí một số loài còn chưa được khoa học mô tả đầy đủ.

Trong lòng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có những hang động kỳ vĩ.

Trong lòng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có những hang động kỳ vĩ.

Theo các nhà khoa học, hang động và sông ngầm nơi đây còn ẩn giấu nhiều giá trị sinh học. Đặc biệt, các sông ngầm ở Phong Nha là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật đặc hữu. Chúng thích nghi với điều kiện thiếu ánh sáng và ít dưỡng khí. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đang nghiên cứu để phát hiện thêm loài mới và hiểu rõ hơn về sự thích nghi sinh học trong môi trường cực đoan.

Một trong những phát hiện nổi bật tại sông ngầm ở Phong Nha là loài cá mù Speolabeo hokhanhi. Loài này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tạo và cộng sự phát hiện vào năm 2014. Chúng chỉ được phát hiện sinh sống trong hệ thống sông ngầm trong hang Va và sông Son.

Loài cá mù Speolabeo hokhanhi.

Loài cá mù Speolabeo hokhanhi.

Đây là loài cá hoàn toàn mới. Khi phát hiện, các nhà khoa học nhận thấy loài cá này khác biệt với các chi cá chép khác. Họ tạo một chi mới hoàn toàn (Speolabeo) để đặt tên cho chúng. Tên loài "hokhanhi" được đặt để vinh danh ông Hồ Khanh. Ông Khanh là người có đóng góp lớn trong việc khám phá và nghiên cứu hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Điểm đặc biệt ở loài cá này là hoàn toàn không có mắt. Đây là hình thái do tiến hóa theo thời gian trong môi trường không có ánh sáng. Hiện tượng thoái hóa giác quan này phổ biến ở các loài sống trong hang động (cavefish). Đây là một ví dụ điển hình cho tiến hóa thích nghi.

Loài cá này cũng không có sắc tố trên da. Cũng vì thế, chúng có màu trắng nhạt hoặc hơi trong suốt có thể nhìn thấy cả mạch máu. Nguyên nhân là do chúng không sản sinh melanin vì môi trường sống không có ánh sáng.

Chúng có kích thước nhỏ, bơi chậm, sống ở đáy hang ngầm và sông ngầm nước lạnh. Điều này giúp giảm năng lượng trao đổi chất và thích nghi với môi trường khan hiếm dinh dưỡng.

Một đoạn ngập nước của hang Va, nằm trong lâm phần Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Một đoạn ngập nước của hang Va, nằm trong lâm phần Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Loài cá mù này chỉ được tìm thấy ở sông Son và hang Va, trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Điều đó cho thấy chúng là loài đặc hữu siêu hẹp, cực kỳ dễ bị tổn thương nếu môi trường sống bị xâm hại.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, việc phát hiện các loài mới chứng minh hệ thống hang động ở đây là một trung tâm tiến hóa độc lập, chứa các loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loai-ca-mu-phat-hien-trong-song-ngam-o-phong-nha-ke-bang-co-gi-dac-biet-169250517104718725.htm