Loài cây báo mùa xuân

Nam Phương

Mùa của phương Nam…

Tôi ở miền Nam, không có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông như miền Bắc. Miền đất phương Nam quanh năm chỉ 2 mùa mưa - nắng. Mùa mưa thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5. Đó cũng là mùa của những loại trái cây nhiệt đới như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và dâu da chín rộ. Những trái chôm chôm đỏ, măng cụt tím và những chùm dâu vàng, xanh trong các quầy trái cây ngoài chợ, nơi nhà vườn… luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt với tôi. Và hương thơm nồng nàn của sầu riêng thì len lỏi vào trong cả những giấc mơ.

Còn mùa nắng thường bắt đầu vào cuối tháng 11. Nắng dịu dàng trong những tháng cuối năm, rồi gay gắt trong khoảng từ tháng 2 đến giữa tháng 4. Phương Nam quanh năm nắng ấm ngập tràn.

Không có 4 mùa rõ rệt như miền Bắc, nhưng tôi cũng cảm nhận được từng mùa theo sự đổi thay của đất trời, cỏ cây. Ngày còn đi học, tôi biết được mùa xuân đang về khi mai vàng đơm nụ, những trái dưa hấu đỏ được thương lái chất thành đống ven đường, khi những cơn gió nhè nhẹ mơn man, quấn quýt trong tà áo. Đứa trẻ là tôi háo hức đếm từng tờ lịch chờ đợi mùa xuân - mùa tết, chờ những nụ mai vàng bung cánh, chờ những âm thanh rộn ràng của chợ tết ngày xuân.

Mùa hạ… Đó là khi những cây phượng vĩ trong sân trường sáng bừng sắc đỏ. Tiếng ve râm ran trong những tàng cây. Khi chúng tôi bước vào những kỳ thi đầy âu lo. Khi những quyển lưu bút chuyền tay nhau viết vội. Đây cũng là mùa mưa nhiều nhất trong năm, như nhà thơ Nguyên Sa đã mô tả: “Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không ngớt…”. Nhưng không như mưa miền Trung rả rích, dầm dề, mưa miền Nam ào xuống rồi tạnh ngay. Những đêm trời mưa, sáng ra thấy trời trong xanh đến lạ. Cỏ cây như tươi hơn, không khí trong lành hơn và thấy lòng mình thêm nhẹ nhõm, bình yên.

Mùa thu… Có không một mùa thu ở phương Nam? Tôi đã từng đắm mình trong những câu thơ, dòng văn mô tả về mùa thu phương Bắc, mùa thu Hà Nội. Mùa thu của lá vàng rơi, của những tia nắng vàng như mật. Những cơn gió lao xao thơm nồng hoa sữa… Xòe tay ra tính tháng, dường như mùa thu phương Nam là mùa chúng tôi trở lại trường, bước vào học kỳ I. Là mùa của những hàng me xanh tươi màu lá và những trái me non cong cong như lưỡi câu. Là mùa của bánh trung thu, bánh dẻo… Những tháng này ở miền Nam trời vẫn đổ mưa. Khi còn nhỏ, chúng tôi chưa từng cảm nhận được hình ảnh “Trung thu trăng sáng như gương”, bởi hầu như đêm trung thu nào ở miền Nam cũng thường có mưa…

Mùa đông. Dịu dàng lắm mùa đông phương Nam. Tôi nhìn thấy mùa đông đang về khi trời dịu mát hơn; khi những cơn gió chập chờn qua từng khóm cỏ xanh non. Và khi những hàng cây cao su nhẹ nhàng trút lá…

Cao su - mùa lá rụng…

Ở phương Nam, nếu nói về loại cây mang mùa xuân đến thì chắc chắn đó chính là mai vàng. Im lìm suốt 1 năm, đến cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, những nụ hoa bé xinh bỗng “trở mình thức giấc”, nhú ra khỏi lớp vỏ trên thân, cành, xòe ra một màu vàng rực rỡ… Nhưng với riêng tôi, cao su mới chính là loài cây báo hiệu mùa xuân đến.

Những ngày giáp tết Quý Mão 2023, con đường Lê Duẩn dẫn vào cơ quan tôi tràn ngập lá xà cừ bay bay trong những cơn gió lao xao. Công việc gấp gáp nhưng tôi vẫn cho phép mình chạy xe thật chậm để ngắm nhìn vỉa hè phủ đầy lá vàng nâu, để những cơn gió nhẹ chạm vào gương mặt đầy bối rối...

Cao su mùa lá rụng - Ảnh: DulichViet

Ừ, đã cuối năm. Cũng là mùa cao su rụng lá. Năm nay thời tiết bất thường, mưa kết thúc trễ hơn. Trời cũng lạnh hơn. Mùa mưa khép lại trễ nên những lô cao su cũng trút lá trễ hơn. Thông thường vào giữa tháng 12, cây đã bắt đầu vàng lá, bung những cành lá xanh non chào xuân. Nhưng năm nay mãi đến tháng 1, khi tết đã cận kề, nhiều lô cao su vẫn đang thẫm xanh màu lá.

Cuối năm. Mùa cao su lá rụng. Những hàng cây như vàng lên trong màu nắng xuân… Đẹp như những bức tranh! Không biết có đẹp như tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Levittan không? Chắc là đẹp hơn bởi đó không phải tranh vẽ mà là bức tranh của tạo hóa…

Tôi dám chắc rằng không chỉ những người hoài cổ mà những ai đến Bình Phước vào thời điểm này, cũng sẽ xốn xang bởi bức tranh của thiên nhiên và thêm yêu mùa cao su lá rụng.

Những chiếc lá vàng nhẹ nhàng theo gió rụng xuống đường, phủ đầy những lối đi, dưới những gốc cây… Một thảm lá khô. Nhưng chẳng có con nai vàng nào ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô như nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng thổn thức. Mà chỉ có những người công nhân cao su thầm lặng quét lá để phòng, chống cháy…

Mùa cao su rụng lá. Những ngày cuối năm…

Đất trời đang chuyển mùa.

Đồng Xoài, mùa lá rụng…

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/253/140832/loai-cay-bao-mua-xuan