Loài chim cao nhất thế giới bị tận diệt vào năm nào ?

Những lần nhìn thấy Moa khổng lồ được báo cáo lần cuối vào năm 1993, chúng đã tuyệt chủng vào khoảng thời gian nào?

Moa hùng mạnh là một loài chim khổng lồ trên Trái đất, nó cũng là loài chim cao nhất trong lịch sử. Nhưng loài chim này đã được cho là đã tuyệt chủng trước khi người châu Âu lần đầu tiên đến New Zealand và người ta cho rằng việc nhìn thấy loài chim này vẫn tồn tại một khoảng thời gian dài sau khi con người đến sinh sống tại nơi này.

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về sự tồn tại của loài này. Nhiều người đã lập luận rằng chúng có thể vẫn ẩn nấp ở đâu đó và một số người khác lại tuyên bố đã nhìn thấy Moa vào cuối năm 1993. Phần lớn, người ta cho rằng việc săn bắn quá mức của con người đã dẫn đến sự diệt vong của chúng vào khoảng năm 1450, nhưng một "giả thuyết sống sót so le" khác cho thấy sự tuyệt chủng của chúng có thể kéo dài hơn, có nghĩa là một số con Moa khổng lồ vẫn còn tồn tại khắp New Zealand sau khi người châu Âu đến vào năm 1642.

Xác suất tồn tại của Moa được lập bản đồ bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu gồm 97 hồ sơ được cho là đã nhìn thấy từ năm 1675 đến năm 1993. Sau đó, phương pháp này áp dụng mô hình sinh tồn dựa trên nghiên cứu về Thylacine và đưa vào một số thông số bổ sung liên quan đến việc liệu những lần nhìn thấy có phải do cùng một người thực hiện hay không, cùng những yếu tố khác. Kết quả có vẻ không hợp lý đối với bất kỳ người nào tuyên bố rằng họ đã nhìn thấy Moa còn sống.

Tác giả viết: “Giả định một cách dè dặt xác suất về sự tồn tại của Moa rất thấp và tôi phủ định về việc có người đã nhìn thấy Moa sau năm 1450, có nhiều khả năng Moa đã tuyệt chủng từ trước khi người châu Âu bắt đầu đến New Zealand”.

Trước khi bị tuyệt chủng, chúng là loài ăn thực vật thống trị trong các khu rừng ở Tân Tây Lan và chỉ có một loài săn mồi thiên địch là đại bàng Haast, loài đại bàng to lớn nhất từng được biết. Và trước khi con người xuất hiện, loài Moa khổng lồ này đã có quần thể sinh thái ổn định ở Tân Tây Lan trong ít nhất 40.000 năm. Khi những người thổ dân Maori đầu tiên đến Tân Tây Lan để khai phá vào tầm những năm 1.300 thì số lượng chim Moa lúc ấy là 58.000 cá thể, và chỉ trong chưa đầy 200 năm, chính xác là năm 1.445 thì đã không còn bóng dáng cá thể chim Moa nào ở những khu vực cây bụi và đồng cỏ thuộc châu Đại Dương. Chúng đã bị săn lùng để lấy thịt, trứng, lông vũ và da, vì được sử dụng làm quần áo, còn xương thì được chế tạo thành lưỡi câu, mặt dây chuyền và các công cụ khác. Sự biến mất của chúng cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tuyệt chủng của loài thiên địch của chúng là loài đại bàng Haast khổng lồ. Cả hai loài chim to lớn trên cũng là hai trong số những nạn nhân nổi tiếng nhất của loài người chúng ta. Hiện nay, họ hàng gần nhất của chúng lại là một loài chim nhỏ bé không bay, cũng là đặc hữu của Tân Tây Lan là chim Kiwi.

Ngoài ra, cũng có một loài chim cổ đại có ngoại hình to lớn, hay bị nhầm lẫn với loài chim Moa là chim voi (Elephant bird, tên khoa học là Aepyornis maximus). Loài chim này thấp hơn chim Moa khi chỉ cao 3 m nhưng lại nặng hơn là 730 kg, sống ở đảo Madagascar ở châu Phi và cũng đã bị tuyệt chủng vào thế kỷ 18 do sự săn bắt quá mức của con người. Chúng cũng được chứng minh là một loài chim hoàn toàn khác, không có họ hàng gì với chim Moa.

Tiểu Vy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/loai-chim-cao-nhat-the-gioi-bi-tan-diet-vao-nam-nao-84067.html