Loại đất nào được phép xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu?
Hiện nay, nhiều cá nhân có ý định xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, không phải loại đất nào cũng được phép xây dựng để kinh doanh mặt hàng mang tính đặc biệt này. Để hiểu chi tiết hơn nội dung, xin mời quý độc giả tham khảo ở bài viết này.
Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và đã được sửa đổi tại Khoản 18 Điều 1 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
Theo đó, tại Điều 153 Luật Đất đai 2013, đất thương mại, dịch vụ gồm:
"Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp
1. Đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp bao gồm đất để xây dựng các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.
2. Việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường.
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức Nhà nước cho thuê đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất, thuê lại đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...".
Từ quy định trên, có thể thấy đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc nhóm đất thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
"Điều 10. Phân loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
... 2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi 4 nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;
g) Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;
h) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
i) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;
k) Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở;".
Từ quy định trên có thể cho thấy, đất dùng để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu là đất thương mại, dịch vụ và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Trong trường hợp còn chưa nắm rõ và thắc mắc, quý vị cũng có thể liên hệ trực tiếp đến Sở Công Thương địa phương (nới mình sinh sống) để được hướng dẫn thực hiện đầy đủ, các thủ tục theo quy định của pháp luật về cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.