Loại đồ ăn ngọt ngào nhiều người ưa thích khiến bạn già đi rất nhanh
Lão hóa là một phần của quá trình tự nhiên khi chúng ta già đi, nhưng quá trình này sẽ tăng tốc rất nhanh nếu bạn thường xuyên ăn nhiều đường. Tại sao ăn đường lại làm chúng ta già đi nhanh như vậy?
Nội dung
1. Ăn nhiều đường có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa2. Đường ảnh hưởng xấu đến làn da như thế nào?3. Cách cắt giảm đường để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật và lão hóa sớm
1. Ăn nhiều đường có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa
Đường là nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Nó cũng là một phần của chế độ ăn uống cân bằng khi chúng ta ăn một cách điều độ. Nhưng ăn quá nhiều đường và thường xuyên ăn trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh tim và ung thư.
Đặc biệt, khi chúng ta già đi, ảnh hưởng của đường càng rõ rệt, nó đẩy nhanh quá trình lão hóa. Loại đồ ăn ngọt ngào này làm chúng ta già đi theo nhiều cách, tác động cả sức khỏe bên trong lẫn bên ngoài, nhất là sức khỏe làn da.
Theo BSCKII Hoàng Thị Ái Liên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Da liễu Trung ương, ăn quá nhiều đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Ăn nhiều đường sẽ khiến cho các tế bào hoạt động quá tải, các phân tử đường sẽ kết hợp với protein tạo ra glycation. Đây là nguyên nhân làm hỏng collagen. Mất đi collagen, da bắt đầu chảy xệ và hình thành nếp nhăn sâu...
2. Đường ảnh hưởng xấu đến làn da như thế nào?
Da là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể và cũng thể hiện nét đẹp bên ngoài của mỗi người. Lão hóa da là sự suy giảm chức năng của da, khiến độ đàn hồi của da giảm đi, các mô liên kết suy yếu dần, collagen, elastin của da trở lên lỏng lẻo.
Các nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ đường có thể làm cho các dấu hiệu lão hóa trên da xuất hiện sớm hơn nhiều.
Đường làm hỏng làn da của bạn thông qua một quá trình tự nhiên gọi là glycation. Đường trong máu gắn với protein và tạo ra các gốc tự do có hại được gọi là sản phẩm cuối glycation tiên tiến (AGEs). Khi AGE tích lũy chúng sẽ làm hỏng các protein xung quanh chúng.
Các protein dễ bị tổn thương nhất là những protein đóng vai trò là khối xây dựng cho làn da bao gồm collagen và elastin. Những protein này giữ cho da săn chắc và đàn hồi, đồng thời chịu trách nhiệm tạo nên sự đầy đặn và căng mọng của một làn da khỏe mạnh. AGEs làm cho collagen và elastin của da trở nên cứng, khô và dễ gãy. Các hiệu ứng được nhìn thấy trên da là nếp nhăn và chảy xệ.
Ngoài việc làm hỏng các protein thiết yếu của da, AGEs còn vô hiệu hóa các enzym chống oxy hóa tự nhiên của cơ thể. Nếu không có sự bảo vệ này, làn da của bạn dễ bị tổn thương hơn trước những tác hại của các gốc tự do (do các tác nhân gây hại từ môi trường như ô nhiễm, ánh sáng xanh và tia UV) và gây lão hóa sớm.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích cách đường tác động đến làn da bằng một ví dụ đơn giản sau:
"Nếu bạn đặt một quả chuối trên bàn ăn và bóc vỏ, sau 24-48 giờ nó chuyển sang màu nâu. Điều này xảy ra là do đường trong quả chuối đó đang phản ứng với protein, gây ra liên kết chéo và màu nâu (phản ứng hóa nâu). Phản ứng tương tự như thế cũng xảy ra trong cơ thể chúng ta.
Đường ăn được tạo thành từ một phân tử glucose và fructose, và chính fructose trong đường làm tăng tốc độ phản ứng "hóa nâu" lên 7 lần. Da bao gồm collagen và elastin, chúng khiến cho làn da của chúng ta dẻo dai và mềm mại. Đường gây ra liên kết ngang của collagen, dẫn đến da của chúng ta bị cứng và mất tính đàn hồi. Nếu chúng ta càng ăn nhiều đường, làn da của chúng ta càng bị nhiều ảnh hưởng".
Đường có thể gây các tác động xấu trên da, bao gồm
Tăng mụn trứng cá
Xuất hiện các nếp nhăn
Da xung quanh vùng cằm bị chảy xệ, các đường nứt sâu xuất hiện, đặc biệt là xung quanh khu vực rãnh cười.
Phát triển các đốm đen, đổi màu và tăng sắc tố trên da
Chậm lành vết thương, vết xước…
3. Cách cắt giảm đường để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật và lão hóa sớm
Đừng để quá muộn mới thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa lão hóa sớm. Vì vậy, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh bạn nên cắt giảm tối đa lượng đường sử dụng trong chế độ ăn uống hằng ngày của mình.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe.
Theo BSCKII Hoàng Thị Ái Liên, chúng ta càng ăn ít đường càng tốt, nhất là các loại đường tinh chế như đường trắng hoặc các món chứa lượng đường cao như món tráng miệng, mứt, kem…
Cách đơn giản và hiệu quả nhất là hạn chế các thực phẩm chứa đường bổ sung như các loại bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt, soda, thực phẩm chế biến sẵn, thay thế chúng bằng thực phẩm chứa đường tự nhiên như trái cây, rau quả, ngũ cốc…
Trái cây, rau quả là nguồn đường tự nhiên và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Nên tập thói quen kiểm tra nhãn thực phẩm trước khi sử dụng để biết thành phần, lượng đường bổ sung trong sản phẩm. Tốt nhất nên lựa chọn các thực phẩm nguyên chất như: nước tinh thiết, sữa không đường, sữa chua nguyên chất, nước sốt không đường… để loại bỏ lượng đường dư thừa.