Loại hoa nghìn tỷ nhiều nước trên thế giới 'săn lùng', Việt Nam trồng bạt ngàn
Tại Việt Nam, có một loại hoa được mệnh danh là cánh hoa nghìn tỷ bởi những giá trị kinh tế mang lại là hoa hồi.
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam có loại cây gia vị quý báu, với sản lượng hàng năm thuộc top đầu thế giới. Đó chính là cây hồi (hoa đại hồi). Việt Nam là nhà cung cấp tiềm năng cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới.
Sở dĩ cây hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.
Theo Việt Nam Net, số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, tăng 26% so với năm 2022, thu về 83 triệu USD.
Theo VPA, giá xuất khẩu bình quân của hoa hồi trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm 2022.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, ước đạt 7.860 tấn (chiếm 48,7%) và 4.116 tấn (chiếm 25,5%).
Tại thị trường trong nước, giá hoa hồi khô dao động từ 150.000-290.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng.
Còn theo dữ liệu của Công ty Tridge thì Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi thống trị trên toàn thế giới. Trong đó, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có thể sản xuất với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi.
Cây hồi có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, xuất hiện nhiều tại vùng Đông Bắc của Việt Nam và phía Nam của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh 'thủ phủ' của cây hồi của nước ta. Thông tin trên báo Nông Nghiệp, Lạng Sơn hiện có hơn 43.370 ha rừng hồi, chiếm khoảng 70% diện tích hồi cả nước, trong đó hơn 28.000 ha hồi đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hoa hồi khô đạt từ 7.500 đến 16.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm.
Hồi ở Lạng Sơn được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được hai chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô hơn 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định.
Đơn vị liên kết là Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn. Các công ty này thu mua hơn 3.000 tấn hồi tươi/năm để chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác nước ngoài, các công ty còn quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon…
Nhờ áp dụng các giải pháp về thủ tục pháp lý, nâng cao năng suất, chất lượng mà sản phẩm hồi của tỉnh Lạng Sơn đã đáp ứng được những quy định khắt khe của các thị trường khó tính với hàng trăm quy định từ quy trình canh tác, thu hái đến chế biến, bảo quản.
Ngoài Lạng Sơn, nhiều người dân Cao Bằng cũng đã "đổi đời" nhờ loài hoa nghìn tỷ này. Từ những năm 1990, cây hồi đã quen thuộc với người dân tộc ở Cao Bằng thông qua các dự án trồng rừng PAM, chương trình 30a, 135… Xã Cao Chương (thuộc huyện Trà Lĩnh Cũ nay là huyện Trùng Khánh) là một trong những địa phương trồng hồi lâu đời và lớn nhất ở tỉnh Cao Bằng. Nơi đây chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Nùng sinh sống.
Thông tin trên Sức Khỏe & Đời Sống, ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng chia sẻ: Thổ nhưỡng của Cao Bằng rất phù hợp với cây hồi. Những năm tới, cây hồi vẫn là một trong những cây lâm nghiệp đa tác dụng, chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.
Có thể thấy, cây hồi mang lại rất nhiều giá trị về kinh tế. Các sản phẩm từ cây hồi nếu qua chế biến sẽ cao hơn hẳn về giá bán. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân, HTX còn tham gia nuôi trồng và chế biến nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Lam Anh (t/h)