Loài mèo đi vào võ thuật Việt Nam như thế nào?
Trong kho tàng võ thuật Việt Nam, có nhiều bài võ được mô phỏng theo cách tấn công, tránh né của loài mèo cực kỳ nhanh nhẹn. Đó là các bài 'Linh miêu độc chiến', 'Độc miêu quyền', 'Bạch miêu đả thanh xà', 'Bạch miêu quyền', 'Hắc miêu sơn', 'Trường đoản miêu sơn', 'Miêu tẩy diện'… Năm 2023 là năm Quý Mão, những bài Miêu quyền gắn với tên tuổi các võ sư lại được nhắc đến.
Thu đòn, tấn công
Ngày nay, khi công nghệ phát triển thì cảnh thực chiến của mèo với các loài vật khác, nhất là với rắn thường được đưa lên mạng xã hội. Rắn hổ mang vươn cao cổ và có cú đớp ngang, mổ vào mặt đối thủ. Nhưng kết thúc những trận chiến này thì rắn hổ mang thường phải bỏ đi hoặc bị đánh bại dưới tay của địch thủ là mèo. Loài mèo tinh khôn khi đối mặt với rắn hổ mang thì luôn giữ khoảng cách, vừa hết tầm mổ của con rắn để khi rắn mổ và thu đầu trở lại thì lập tức nhận ngay một cú tát ngang nhanh như tia chớp từ mèo.
Thời xưa, những trận chiến đó đã được các võ sư chăm chú quan sát để sau đó chiêm nghiệm, sáng tạo ra thế đánh Miêu quyền. Ở Việt Nam, có rất nhiều bài Miêu quyền hay, nhưng bài “Miêu tẩy diện” trở nên nổi tiếng bởi truyền nhân là Đại võ sư Lý Xuân Hỷ, sinh năm 1940, quê ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Võ sư này từng chứng minh sự lợi hại của thế võ mèo bằng cách đứng yên cho một võ sư người nước ngoài tấn công, sau đó nhún người thoái lui rồi lại phóng tới, luồn lách và cuối cùng áp sát đối thủ, xem như kết thúc trận so găng.
Đại võ sư Lý Xuân Hỷ có con trai nối nghiệp là võ sư Lý Xuân Văn, truyền nhân bài “Miêu tẩy diện”. Thời còn trẻ, ông Hỷ là người đã biến những đòn thế nhu nhuyễn của loài mèo vào thực chiến khá thành công. Suốt chặng đường xuôi ngược dẫn quân thi đấu võ, có lúc nhận lời thách đấu, trong suốt 300 trận giao đấu, ông thường thắng tuyệt đối và hạ knock-out đối thủ bằng bước tấn lướt nhẹ trên mặt đất của loài mèo, vừa tránh né, vừa áp sát để tấn công. Năm 1990, khi đã ở tuổi 50, ông đi cùng đoàn Việt Nam sang Nga dự Festival võ thuật cổ truyền quốc tế, vị võ sư người Ba Lan có dáng người to lớn xin giao hữu võ thuật và ông đã mang võ mèo ra tiếp chiêu.
Trong bài quyền “Miêu tẩy diện”, những động tác đầu tiên mang đặc trưng có thế võ mèo, đó là võ sĩ ra cú đấm thôi sơn về trước mặt, sau đó biến nắm đấm thành cú vuốt, mở lòng bàn tay xoay tròn giống như loài mèo chụp bắt dính đối thủ, sau đó buông ra. Nhưng trong khoảnh khắc cực nhanh của việc nắm bắt được đối thủ thì mèo đã ra đòn tấn công áp đảo rồi lại xoay chuyển vị trí để có thể tấn công từ một hướng khác.
Võ sư Phạm Đình Phong, Tiến sĩ danh dự, nhà nghiên cứu võ học, tác giả cuốn sách Lịch sử võ học Việt Nam nhận xét: “Trong các bài võ mô phỏng lại động tác của loài mèo, “Linh miêu độc chiến” là bài quyền thể hiện động tác vồ mồi, vờn mồi, nhử mồi, bắt mồi và chiến đấu, phòng thủ và đa phần thiên về nhu, nên “Linh miêu độc chiến” là bài võ có thể chiến đấu và đánh với quân thù được và dành cho tất cả các môn sinh để nâng cao sức khỏe, trong số đó có bài “Miêu tẩy diện” được lưu giữ lâu nhất và phát huy rất tốt”.
Võ sư Phạm Đình Phong chia sẻ: Mặc dù bị thất truyền rất nhiều do tính chất truyền khẩu của các bài võ cổ truyền, nhưng tôi biết vẫn còn một số lò võ cố gắng sưu tầm, gìn giữ những bài võ mèo. Ví dụ, võ đường Hà Trọng Ngự, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ và truyền dạy một số bài võ mèo tiêu biểu như “Linh miêu độc chiến” và “Bạch miêu quyền”.
Miêu quyền trong sử sách
Võ sư Phạm Đình Phong kể, theo quan niệm của người xưa, mèo được coi là một trong những loài vật cực kỳ khôn ngoan, vừa có biệt tài săn mồi, giữ nhà. Mèo được con người yêu thích, xem như người bạn nhỏ trong gia đình. Tất cả mọi sinh hoạt của mèo có đầy đủ tố chất cần thiết để có thể nghiên cứu, chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu, nhất là trong những tình huống lấy nhu hóa cương. Đặc biệt, ưu điểm của loài mèo là đánh nhanh, rút êm, có khả năng quan sát tinh tế, phán đoán linh ứng, phóng cao, chạy nhanh, xoay chuyển cực kỳ linh hoạt, thoắt ẩn thoắt hiện và hết sức uyển chuyển, mềm mại, nhanh nhạy, tinh khôn...
Miêu quyền thật sự đã góp phần làm phong phú các loại hình võ thuật chiến đấu, bổ sung vào kho tàng võ cổ truyền dân tộc và sau này là nền võ học chân truyền Việt Nam thêm đồ sộ, phong phú, hoàn mỹ. Nói về bài “Miêu tẩy diện”, ông Phong kể về kỷ niệm xa xưa, đó là năm 1965 đã đi học võ ở thầy Huyền Ấn và thầy Nghĩa Hiệp, sau đó có xem lão võ sư Quách Cang, Tạ Cảnh Thâm (ở An Thái) cùng một số thầy võ ở Bình Định biểu diễn bài “Miêu tẩy diện”.
Những người thích phim kiếm hiệp, võ công của Trung Quốc thường nhớ đến bộ phim võ thuật “Miêu Xà quyền”, do minh tinh điện ảnh, ngôi sao võ thuật Thành Long thủ vai chính. Chàng thanh niên học môn Xà quyền từ cao thủ Bạch Trường Thiên, nhưng đây là môn phái đang bị cao thủ Thượng Quan Dật Vân, chưởng môn Ưng trảo quyền tìm cách bức hại và tiêu diệt.
Trong lúc bị vây đuổi tới tận cùng, chàng trai đã quan sát được trận giao đấu của con mèo, sau đó chuyển hóa các thế đánh này thành một môn võ mới, sáng tạo ra đòn tát, cấu, xé, song phi phủ từ trên đầu, cộng với tiếng gào của con mèo. Thế võ đó đã bẻ gãy và hóa giải mọi đòn thế của Ưng trảo quyền.
Dù chỉ là một bộ phim điện ảnh, nhưng đây cũng là câu chuyện ở ngoài đời thực của các võ sư sáng tạo ra Miêu quyền. Đại võ sư Lý Xuân Hỷ kể lại, do học Miêu quyền nên các võ sinh thường xuyên quan sát thêm động tác của loài mèo để tâm niệm về sự nhu nhuyễn trong đầu.
Cách đây 35 năm, một võ sư ở Tây Ninh trong lần đàm đạo võ thuật đã nhận xét rằng, võ cổ truyền Bình Định có đặc trưng là chân không rời đất và võ sư này rất muốn được giao lưu võ thuật với võ sư Lý Xuân Hỷ về bộ tay. Hai bên thủ thế và võ sư Lý Xuân Hỷ tiếp chiêu, ra đòn, tới lúc đó, võ sư ở Tây Ninh gật đầu và nói: “Đòn tay của “Miêu tẩy diện” quá hiểm hóc, vì đánh ở cự ly áp sát thì bàn tay mô phỏng thế đánh của loài mèo có thể khóa được đòn thế của đối phương, tấn công được các huyệt đạo chỉ bằng đòn đánh nhẹ và chính xác”.
Võ sư Phạm Đình Phong dành cả đời để nghiên cứu võ học, tuyển tập các bài võ, trong đó có Miêu quyền. Ông cho biết, tiếp tục theo đuổi việc tiếp sức để Việt Nam có hồ sơ trình lên UNESCO công nhận võ học Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể; đưa lịch sử võ học vào hệ thống thư viện các tỉnh, thành nhằm lưu giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc.