Loài người sẽ tiến hóa thành Homo Numericus?
Trong cuốn 'Homo Numericus', tác giả Daniel Cohen cho rằng ở thời đại kỹ thuật số, con người không còn giống với một Homo Sapiens (người tinh khôn), mà đã trở thành một Homo Numericus - một sinh vật mới vận hành theo quy luật của các thuật toán.

Theo ý kiến chuyên gia, chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng mang tính văn hóa, khi con người và công nghệ trở nên gắn kết và tích hợp với nhau thành một thể thống nhất.
"Khi nhắc về chuyển đổi số, chúng ta thường chỉ tập trung về chủ đề công nghệ. Giá trị của công nghệ được nhìn từ góc độ xã hội, kinh tế, chính trị, tạo nên một nghĩa thay đổi hoàn toàn khác. Bản chất chuyển đổi số, phần ICT (Information & Communication Technologies - Công nghệ thông tin và truyền thông) rất thấp; giá trị của công nghệ được nhìn từ góc độ xã hội, kinh tế, chính trị, tạo nên một nghĩa thay đổi hoàn toàn khác. Bản chất của chuyển đổi số là cách mạng về văn hóa". Đó là nhận định của ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - trong buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách Homo numericus: Con người trong kỷ nguyên số (tác giả Daniel Cohen).
Trong buổi ra mắt sách sáng 23/5, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông Lê Nguyễn Trường Giang cùng ông Hứa Tất Đạt (Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Left Brain Connectors) đã có cuộc trao đổi đa ngành về con người trước chuyển đổi số.
Lĩnh vực công nghệ, cũng như cách cuộc sống vận hành, dù thay đổi diễn ra liên tục nhưng các nguyên tắc cơ bản thì hầu như không đổi. Để “hòa nhập mà không hòa tan” bản sắc cá nhân trong thời đại công nghệ, thực chất ta chỉ cần xác định đúng một số yếu tố cơ bản mang tính nguyên lý.

Cuốn sách Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số. Ảnh: Nhã Nam.
Bản chất của chuyển đổi số
Theo ông Giang, thời đại ngày nay, con người bắt đầu nhận thức được một thực tại mới - thực tại số (digital). Thực tại truyền thống (reality) ta vốn biết được “nhúng” vào thực tại “số” tạo nên một thực tại thực-số (reality-digital) kết hợp.
Trong bối cảnh mới này, mọi thứ đều đo được, đếm được, tính toán được. Chính nhờ khả năng mới này mà các tài sản thực (real world asset) trở thành những vật mang giá trị mới và còn tăng giá trị vượt trội. Có thể nói, ngày nay, mọi thứ đều là dữ liệu, và dữ liệu lại có thể vốn hóa. Bởi sự đột phá về cách tạo ra giá trị này, ông Giang cho rằng bản chất của chuyển đổi số là vấn đề tài chính.
Trong thực tại mới này, con người và công nghệ sẽ trở nên gắn kết và tích hợp với nhau thành một thể thống nhất. Điều này tiếp tục khiến con người tự nhìn nhận lại mình trong một sinh quyển mới - khi con người và máy móc cộng hưởng tạo ra giá trị.
Vậy con người phải chuẩn bị tâm thế ra sao, học thêm điều gì trước thực tại mới này? Hai vị diễn giả nhấn mạnh: nhất thiết phải học nhiều hơn để không lợi dụng công nghệ và cũng không bị công nghệ lợi dụng.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang (trái) và ông Hứa Tất Đạt trong buổi trao đổi. Ảnh: Thúy Hạnh.
Ông Giang cho rằng thời công nghệ hiện đại thì càng phải có hiểu biết về văn hóa, kinh tế - chính trị và triết học. Học văn hóa là bởi văn hóa định hình nên tư duy, tư duy định hình nên hành động; học kinh tế - chính trị là bởi công nghệ cũng thay đổi cách ta giao tiếp, cư xử trong cộng đồng như một sinh vật xã hội; sau cùng, mọi thứ đều đi từ nguyên lý, và nguyên lý căn bản nhất lại là triết học. Đây là những nguyên tắc cơ bản để “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bối cảnh ngày nay.
Cách duy nhất để tồn tại là tạo ra bản sắc
Để không bị cuốn đi trong “ảo ảnh” dữ liệu, ta cần phải tạo nên bản sắc cho chính mình. Bản sắc là thứ tạo nên danh tính ta trong thời đại này. Xây dựng bản sắc của mình, xác định điều mình muốn, thực hiện điều đó có phương pháp, là cách ta lèo lái chính mình trong biển dữ liệu.
Tại chương trình, ông Lê Nguyễn Trường Giang và ông Hứa Tất Đạt một lần nữa nhấn mạnh vai trò nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay. Trước hết là bởi, công nghệ là vì con người, nên phải được định hướng sao cho hữu dụng với con người, chứ không phải thay thế con người.
Hai là, theo phân tích của ông Giang, phải hiểu cách xã hội vận hành thì mới làm chủ và phát triển công nghệ được.

Tác giả Daniel Cohen (1953 - 2021). Ảnh: France24.
Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số là tác phẩm cuối cùng của tác giả Daniel Cohen (1953 - 2021), một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp. Tiếp cận vấn đề công nghệ dưới góc nhìn kinh tế, lịch sử và triết học, tác giả giúp ta hiểu hơn về cơ hội, thách thức trong kỷ nguyên công nghệ.
Daniel Cohen mô tả rằng con người trong thời đại kỹ thuật số không còn giống với một Homo Sapiens (người tinh khôn) truyền thống nữa, mà đã trở thành một Homo Numericus - một sinh vật mới vận hành theo quy luật của các thuật toán. Thế giới hiện đại cũng đã được định hình lại hoàn toàn bởi công nghệ số. Cuốn sách đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, tự do cá nhân và tương lai của nhân loại trong thời đại số.
Nguồn Znews: https://znews.vn/loai-nguoi-se-tien-hoa-thanh-homo-numericus-post1555329.html