Loại quả mọc dại nhiều tại Việt Nam được thế giới công nhận rất tốt cho sức khỏe
Với những giá trị dược tính tốt, quả gấc Việt Nam đã được thế giới công nhận và đặt tên là 'Gac fruit'.
Ảnh minh họa
Gấc có tên khoa học là Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng là một loại dây leo, mỗi năm lụi một lần, nhưng lại đâm chồi từ gốc cũ lên vào mùa xuân năm sau.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), gấc mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Người dân thường lấy phần màng của quả gấc chín để nấu xôi, làm bánh hoặc tách riêng màng để chiết dầu.
Màng gấc là lớp màng đỏ bao quanh hạt. Màng gấc chứa rất nhiều vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào, được sử dụng nhiều trong sản xuất dược mỹ phẩm như kem dưỡng da, son môi, cho làn da mịn màng, chống sạm da, khô da, rụng tóc.
"Màng hạt gấc chứa một chất dầu màu đỏ mà thành phần chủ yếu là beta-caroten và lycopen là những tiền vitamin A khi vào cơ thể sẽ biến thành vitamin A. Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi của cà rốt. Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu có vai trò quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể. Tác dụng chính của vitamin A là bảo vệ mắt, chống quáng gà và đặc biệt giúp tăng cường hệ miễn dịch", bác sĩ Vũ cho hay.
Theo Đông y, hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, dùng chữa các chứng bệnh ung thũng, mụn nhọt độc, eczema, viêm da thần kinh, trĩ, phụ nữ sưng vú. Hạt gấc có thể chế thuốc viên hay tán bột uống, liều uống từ 0,8-1,2g. Tuy nhiên, hạt gấc thường dùng đắp ngoài da để điều trị mụn nhọt, dân gian còn dùng để đắp chữa chai bàn chân.
Y học hiện đại đã phân tích thành phần của hạt gấc có khoảng 6% nước; 8,9% chất vô cơ; 55,3% acid béo; 16,5% protein; 2,9% đường; 1,8% tanin; 2,8% cellulose và một số enzym. Hạt gấc chứa acid momordic, gypsogenin, acid oleanolic, acid a- elacostearic, còn có acid amin, alcol.
Bác sĩ Vũ lưu ý nhân hạt gấc (phiên mộc miết) theo Đông y có tính rất lạnh, ăn phải thì cấm khẩu nguy hiểm.
Bác sĩ Vũ cho biết gấc còn được làm thành dầu có chứa acid oleic 44,4%; acid linoleic 14,7%; acid stearic 7,89%; acid palmatic 33,8%. Dầu gấc có tác dụng như những thuốc có vitamin A, dùng bôi lên các vết thương, vết loét, vết bỏng cho chóng lành. Uống dầu gấc, người bệnh chóng lên cân, tăng sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể, do chất caroten dưới tác dụng của men carotenase có nhiều trong gan sẽ tách caroten thành hai phần tử vitamin A.
Ngoài ra, rễ gấc sao vàng, tán mỏng, dùng uống chữa tê thấp sưng chân gọi là phòng kỷ nam. Lá gấc kết hợp tầm gửi đắp ngoài ra làm thuốc tiêu sưng tấy.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hạt gấc
Chữa tụ huyết do chấn thương: 50 hạt gấc đốt cháy đen, giã nhuyễn cho vào 1 lít rượu trắng, ngâm trong lọ thủy tinh 2 tuần. Dùng để xoa bóp ngoài. Mỗi lần từ 5-10ml rượu, xoa bóp đều vào vùng da bị tụ máu.
Chữa mụn nhọt sưng tấy: Dùng hạt gấc giã nát, hòa với một ít rượu trắng 30- 40 độ, bôi lên vùng da bị mụn nhọt nhiều lần trong ngày sẽ chóng khỏi.
Chữa trĩ: Hạt gấc giã nát thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải đắp vào hậu môn để suốt đêm, sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
Chữa chai chân: Giã nát nhân hạt gấc và cả màng đen, thêm một ít rượu trắng 35-40 độ bọc trong một cái túi polyethylene dán kín miệng túi, đục một lỗ nhỏ rộng gần bằng chỗ chai chân, buộc vào nơi tổn thương 2 ngày thay thuốc 1 lần.