Loại rau dại xưa đầy, giờ thành đặc sản được dân phố 'săn lùng' nhưng hiếm có
Đặc sản này có mùi thơm, tốt cho sức khỏe nên được nhiều người ưa chuộng.
Việt Nam có nhiều loại rau mọc dại trở thành đặc sản được ưa chuộng vì ngon và hương vị lạ. Trong đó, chúng ta phải kể đến rau tinh tú.
Theo tìm hiểu, loại rau này có tên khoa học là Lysimachia fortunei Maxim, thuộc họ Anh Thảo (Primulaceae) - hoa báo xuân. Chúng thuộc cây thân thảo, cao 40-60cm, sống nhiều năm. Lá đơn mọc cách (so le) hoặc gần đối. Cây cho hoa rất đẹp, nở thành từng chùm màu trắng ở ngọn tạo thành hình chóp.
Rau tinh tú có nguồn gốc ở Ấn Độ và các nước Trung Đông. Ở nước ta, chúng mọc hoang ven suối, cạnh đường, ruộng lúa ở nhiều vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Nhiều người luôn nghĩ loại rau này như cỏ dại và nhổ bỏ khi làm sạch đường, ruộng lúa... Song ít ai biết rằng, ngọn và lá non của chúng được sử dụng như rau ăn thường ngày.
"Ở quê mình, xưa rau tinh thú gắn liền với bữa cơm của người nghèo. Các bà các mẹ thường hái về luộc chấm mắm hoặc hôm nào sang sẽ xào với mỡ lợn. Chúng cũng có thể ăn sống kèm với rau gia vị khác. Chúng có mùi thơm, vị nhạt, có tính mát và thanh nhiệt", chị Thu Thảo (35 tuổi, Lạng Sơn) cho hay.
Không chỉ để làm món ăn, loại rau đặc sản miền quê này còn dùng để sắc nước uống giải cảm cúm, mát gan. Ngoài rau tươi, nhiều gia đình còn hái rau tinh tú đem phơi khô, chặt khúc bó lại dùng dần.
"Hiện nay rau tinh tú trong tự nhiên không có nhiều, cũng không ai trồng nên phải về quê mới tìm được. Chúng cũng không được rao bán phổ biến như các loại rau đặc sản khác.
Một số bạn bè ở thành phố muốn tìm mua rau về sắc nước uống thường nhờ mình về quê gom hộ. Mình phải đi mấy nhà mới có đủ vì hiếm người hái", người phụ nữ cho hay.