Loại rau rẻ tiền bán đầy chợ, mùa đông người Việt nên ăn theo cách này để giảm đau xương khớp
Lá lốt thường được dùng để chữa các chứng đau nhức xương khớp, sưng đau đầu gối khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân, mụn nhọt lâu liền miệng...
Lá lốt là loại rau gia vị quen thuộc ở Việt Nam. Từ lâu, người dân dùng lá lốt để ăn sống như các loại rau thơm, hoặc dùng làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô.
Lá lốt có thể giảm đau xương khớp trong mùa đông lạnh?
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Còn trong y học cổ truyền lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân, mụn nhọt lâu liền miệng...
Theo y học hiện đại, trong 100g lá lốt sẽ có chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần rễ của lá lốt có chứa benzyl axetat và phần lá, thân có chứa còn alkaloid và beta-caryophylen.
Lá lốt chứa nhiều tinh dầu, Alcaloi, flavonoid. Tinh dầu lá lốt có mùi thơm đặc trưng, có chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon... Tinh dầu lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, lá lốt được coi là một vị thuốc. Đau nhức xương khớp thuộc phạm trù chứng Tý – kinh mạch, khí huyết tắc nghẽn dẫn tới đau. Bởi vậy mà để chữa cần tập trung vào hoạt huyết, bồi bổ khí huyết, can thận giúp thuyên giảm các chứng đau.
3 bài thuốc chữa bệnh đau xương khớp từ lá lốt
Theo kinh nghiệm, người dân thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng…
Chữa đau nhức xương, khớp khi trời lạnh
Lấy 15g lá lốt đã phơi khô (khoảng 20-30g lá tươi), sắc 2 chén nước còn ½ chén, uống trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày.
Hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước (mỗi vị 30g), tất cả đều dùng tươi, thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.
Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân
Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.
Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 chén nước còn 1chén. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.
Chữa đầu gối sưng đau
Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
Ăn lá lốt bao nhiêu là đủ?
Lá lốt cũng như bất kỳ vị thuốc nào, đều cần phải dùng đúng liều lượng. Nếu lạm dụng, đôi khi thuốc bổ cũng có thể thành… thuốc độc.
Vì vậy, khi ăn lá lốt cần phải tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của từng người. Với những người đang bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón (biểu hiện lợi hàm sưng đỏ; lưỡi khô; môi nẻ; đi tiêu khó khăn, nóng bức trong người…) thì không nên dùng lá lốt.
Với người bình thường, một ngày chỉ nên ăn từ 50 – 100g lá lốt/người.