Loại 'siêu trái cây' giúp nông dân một huyện ở Hà Tĩnh bỏ túi hơn 600 tỷ đồng

Những ngày cuối tháng 8, các nhà vườn, HTX, tổ hợp tác ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật vào mùa bưởi. Năm nay, giống bưởi Phúc Trạch nức tiếng của vùng đất này dự kiến tiếp tục cho vụ mùa bội thu, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ sản xuất.

Sở hữu vườn bưởi rộng 12 sào, vụ này gia đình anh Nguyễn Hữu Hải, thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch dự kiến thu về khoảng 10.000 quả. Nhờ sản xuất sạch, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, giá bán ổn định, nhiều năm trở lại đây, năm nào anh Hải cũng bỏ túi trên dưới 300 triệu đồng.

Những mùa bưởi ngọt

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, theo anh Hải, đa phần các nhà vườn, HTX, tổ hợp tác trồng bưởi ở Hương Khê đã chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh.

Đáng chú ý, để mở rộng thị trường tiêu thụ, những năm gần đây, các hộ trồng bưởi địa phương bắt đầu tiếp cận với các kênh bán hàng hiện đại, nhờ đó một số lượng không nhỏ bưởi chất lượng cao được bán trên các trang thương mại điện tử lớn, mạng xã hội… góp phần nâng cao giá bán cho nhà vườn.

Bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê đang vào mùa, dự kiến cho giá trị cao (Ảnh: BHT).

Bưởi Phúc Trạch ở Hương Khê đang vào mùa, dự kiến cho giá trị cao (Ảnh: BHT).

Cũng dự kiến có một mùa vụ bội thu, anh Nguyễn Xuân Doãn, xã Hương Trạch, cho hay gia đình anh trồng 500 gốc bưởi Phúc Trạch, thu về khoảng 11.000 quả. Năm nay thời tiết không quá thuận lợi, năng suất không như kỳ vọng, nhưng đổi trái ngon, ngọt, mẫu mã đẹp.

“Bưởi Phúc Trạch có độ thơm ngon, vị ngọt thanh rất đặc trưng, màu vàng nhạt, mỗi quả chỉ nặng từ 1,1-1,5 kg. Nhờ chất lượng tốt, bưởi đầu mùa ở Hương Khê đang được bán với giá bình quân 30-35 nghìn đồng/quả (tại vườn), tùy chất lượng. Với giá này, người trồng bưởi có lãi”, anh Doãn hồ hởi nói.

Được biết, thương hiệu bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Phúc Trạch" cho sản phẩm "Quả bưởi" và là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020.

Hiện, toàn huyện Hương Khê có gần 2.800 ha bưởi, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 1.910 ha. Tổng sản lượng bưởi năm 2024 ước đạt trên 23 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 2.000 tấn. Tổng giá trị ước đạt trên 600 tỷ đồng.

Liên kết để tăng nội lực sản xuất

Một điểm nhấn trong quá trình phát triển mô hình trồng bưởi ở Hương Khê là sự hình thành của hàng loạt HTX, tổ hợp tác. Các HTX, tổ hợp tác đang đóng vai trò liên kết, hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật, canh tác theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Bạch Đình Sáng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch hữu cơ Hương Thủy, ngay từ khi thành lập tổ hợp tác đã hướng đến mục tiêu tạo ra những sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng.

Theo đó, trong quá trình chăm sóc bưởi, các thành viên tổ hợp tác chỉ sử dụng các loại phân chuồng hữu cơ thay cho các loại phân bón hóa học. Việc sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp cây xanh tốt mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất, bảo đảm tính bền vững cho đất.

Ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh kết nối thị trường, ổn định giá bán cho nông dân, HTX, tổ hợp tác (Ảnh: BHT).

Ngành nông nghiệp địa phương đang đẩy mạnh kết nối thị trường, ổn định giá bán cho nông dân, HTX, tổ hợp tác (Ảnh: BHT).

Ngoài ra, để phòng trừ sâu bệnh, tổ hợp tác tự chế thuốc bằng ớt, tỏi, gừng… ngâm với rượu thành một hỗn hợp đặc biệt phun cho cây trồng.

Ông Sáng chia sẻ, là một trong những đơn vị đầu tiên canh tác bưởi theo hướng hữu cơ, ban đầu tổ hợp tác gặp không ít khó khăn. Nhưng đến nay, với phương pháp bài bản, khoa học, cây bưởi của tổ hợp tác phát triển nhanh, quả bưởi đạt chất lượng tốt. Tổ hiện có 5 thành viên với hơn 2 ha bưởi, sản lượng trên dưới 30 tấn, thị trường tiêu thụ ổn định.

Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân, xã Phúc Trạch, cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong canh tác bưởi theo hướng an toàn. Năm 2022, tổ hợp tác được cấp chứng nhận GlobalGAP, mở ra nhiều triển vọng để xuất khẩu sản phẩm.

Bà Hồ Thị Hà, thành viên tổ hợp tác cho biết việc chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch tại trang trại của tổ hợp tác luôn được thực hiện nghiêm ngặt theo bộ tiêu chí sản xuất sạch. Trong đó, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Sự thay đổi phương thức canh tác đó đã mang lại niềm tự hào khi người dân đã tự tay sản xuất được quả bưởi đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Có thể nói, với những thay đổi trong tư duy sản xuất của các hộ sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng sự ra đời của các HTX, tổ hợp tác và sự đồng hành của địa phương, đang giúp cây bưởi liên tục cho quả ngọt, ngày càng khẳng định chất lượng, thương hiệu, cũng như giá trị kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân từ cây ăn quả chủ lực của địa phương.

Được biết, những năm qua, nhằm hỗ trợ tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định giá trị, sự khác biệt về đặc sản vùng miền của bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thành lập Tổ công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ bưởi. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến tiêu thụ…

Theo đó, huyện Hương Khê xác định thị trường tiêu thụ trong nước là cơ bản, trong đó quan tâm duy trì các thị trường truyền thống; tạo điều kiện mở rộng thị trường mới tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM..., các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Cùng với việc tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối, truyền thống, huyện đặc biệt quan tâm, thúc đẩy phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: BigC, Co.opmart, Winmart...; các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn, Shopee, Lazada, Sendo…) và trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…). Đồng thời, giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tiếp cận với các thị trường mới qua các hội chợ thương mại trên toàn quốc.

Huyện cũng tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ; quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, huyện cũng đang đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ ở thị trường trong nước, quan tâm duy trì các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng thị trường mới, quan tâm hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/loai-sieu-trai-cay-giup-nong-dan-mot-huyen-o-ha-tinh-bo-tui-hon-600-ty-dong-1101969.html