Loài sinh vật kỳ lạ khiến các nhà khoa học tranh cãi hàng thập kỷ
Năm ngoái, khi các nhà khoa học tuyên bố đã có lời giải cho bí ẩn hàng chục năm về một loài cổ sinh vật, tưởng như những tranh luận đã ngừng lại. Nhưng mới đây, nhiều cuộc thảo luận tiếp tục nổ ra quyết liệt hơn.
Được biết đến với cái tên Quái vật Tully, đây là một loài cổ sinh vật thuộc họ Tullimonstrum, được cho là đã sinh sống ở những vùng nước bùn cạn tại các cửa sông ven biển ở Đông Mỹ vào khoảng 300 triệu năm trước.
Chỉ có một loài Tullimonstrum gregarium duy nhất từng được biết đến và hóa thạch của nó chỉ được tìm thấy ở khu vực hóa thạch Mazon Creek, thuộc bang Illinois (Mỹ).
Hóa thạch của loài này xuất hiện rất nhiều nơi đây. Hàng trăm hóa thạch của nó cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Field ở Chicago sau những phát hiện ban đầu vàonhững năm 1950.
Dựa vào những vết tích còn lưu lại trên hóa thạch, các nhà khoa học vẽ lại chúng là một loài vật có vây giống như mực, cuống mắt mọc dài, càng giống như cua, hàm trên dính và ngoại hình khá phức tạp.
Cấu tạo cơ thể quá rắc rối của Quái vật Tully khiến các nhà khoa học gặp khó khăn khi phân loại nó. Họ so sánh nó với những nhóm loài từ động vật thân mềm, động vật chân đốt, cho đến những loài mới được liệt kê sau này như loài cá mút đá.
“Loài động vật này thật sự không dễ dàng để phân loại, cơ thể của nó quá kỳ lạ. Nó có đôi mắt nằm trên một cuống dài mọc ra từ giữa thân, có một càng như càng cua nằm cuối chiếc vòi dài phát triển từ thân. Thậm chí còn nhiều đặc điểm cấu tạo khác của sinh vật nàyrất khó hiểu. Nhưng xét cho cùng,có thể Quái vật Tully cũng chỉ là một con cá”, Lauren Sallan, giảng dạy tại Đại học Pennsylvania, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Phát hiện đầu tiên về Quái vật Tullyđược công bố vào năm 1955 bởi nhà sưu tầm hóa thạch nghiệp dư Francis Tully, dẫn đến những cuộc tranh luận kéo dài suốt hàng chục năm khi những đặc tính kỳ lạ khiến nó không thể được xếp vào một nhóm loài nào.
Một thời gian, các nhà nghiên cứu từng phân loại nó vào nhóm động vật thân mềm như loài hải sâm, hoặc động vật chân đốt như tôm hùm, cho đến khi một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 3.2016 vừa qua, phân loại nó vào một nhóm động vật khác.
Một nhóm các nhà nghiên cứu công tác tại Đại học Yale, dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Victoria McCoy,khẳng định đường thẳng chạy dọc theo cơ thể của loài sinh vật cổ đại kia không phải là đường ruột như những nghiên cứu trước đây, mà nó là một thanh xương, là cơ sở của hình thành xương sống sau này.
Thanh xương này là đặc tính quan trọng, được tiến hóa thành xương sống ở các động vật xương sống sau này, bao gồm cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về khe mang ở một số trong tổng số hơn 1.200 mẫu vật mà họ đã phân tích, khiến nó trở nên giống với cá hơn so với những nghiên cứu trước.
Họ cho biết, đặc tính này có lẽ đã bị bỏ qua bởi những nhà nghiên cứu đi trước, do nhiều cá thể của loài này có xu hướng chết ở tư thế giữ nguyên phía mặt trước hoặc mặt sau thay vì hai bên thân, điều này làm che khuất khe mang của chúng khi bị hóa đá.
Nghiên cứu thứ hai do các nhà nghiên cứu ở Đại học Leicester (Anh quốc) cũng đi đến kết luận rằng, Quái vật Tully là một động vật có xương sống, sau khi quét hình ảnh đôi mắt của loài này qua kính hiển vi điện tử, cho thấy có cấu trúc hắc sắc tố thể (melanosome) bên trong đó.
Loài cổ sinh vật này có cấu trúc mắt rất phức tạp, nghĩa là nó phải là một loài động vật có xương sống. Đôi mắt của Quái vật Tully có thể đã tiến hóa qua hàng chục lần để trở nên có cấu trúc phức tạp.
Tuy vậy, hai nghiên cứu mới được công bố chỉ làm tăng thêm số lượng những câu hỏi về sinh vật kỳ lạ này. Một cuộc tranh luận mới lại được nổ ra, các nhà khoa học luôn mong muốn phân loại được nó để có được hiểu biết về sự tiến hóa của xương sống và động vật có xương sống.