Loại tiền số dành riêng cho giới tội phạm khét tiếng
Một loại coin bảo mật không thể truy vết ngày càng phổ biến trong các băng nhóm sử dụng mã độc tống tiền.
Trong giới tội phạm công nghệ, Bitcoin luôn là lựa chọn cho các thương vụ phạm pháp nhằm tránh rắc rối. Gần đây, một loại tiền mã hóa mới xuất hiện với tên gọi Monero, giúp tiền bẩn biến mất không để lại một dấu vết nào.
Những giao dịch bằng Bitcoin sẽ được ghi lại trên chuỗi khối tương ứng. Nhưng với Monero, thông tin người gửi, người nhận và cả số lượng trao đổi đều được giấu kín.
Vì vậy, Monero rất được giới tội phạm ưa chuộng và trở thành vấn đề lớn mà lực lượng hành pháp phải đối mặt.
Tiền thật trên không gian ảo
Monero giành được sự quan tâm sau cuộc truy quét tội phạm công nghệ cao của chính phủ Mỹ. Cuộc điều tra được mở ra sau vụ tin tặc tấn công vào hệ thống thanh toán của Colonial Pipeline, nhà cung cấp dầu khí chính cho bờ Đông, hồi tháng 5.
Theo Bryce Webster, Giám đốc Tình báo tại GroupSense, một nhóm hỗ trợ nạn nhân nộp tiền chuộc, các nhóm tội phạm mã độc tống tiền đang chuyển sang Monero vì nhận thấy giao dịch bằng Bitcoin khiến danh tính rò rỉ qua chuỗi khối.
Theo Brett Callow, nhà phân tích nguy cơ tại Emisoft, nhóm tống tiền REvil chỉ chấp nhận tiền chuộc được trả bằng Monero. Nhóm này được cho là thủ phạm của vụ tấn công nhắm vào công ty sản xuất thịt JBS vào tháng 6.
Theo Justin Ehrenhofer, chuyên gia quản lý tiền mã hóa, đồng thời thành viên cộng đồng phát triển Monero, ước tính loại coin này chiếm 10-20% tổng giá trị tiền chuộc được trả. Con số này có thể chạm mốc 50% vào cuối năm 2021.
Vào năm 2014, Monero bắt đầu như một dự án mã nguồn mở. Một nhóm thành viên trên Reddit cho rằng tính ẩn danh của Bitcoin là một "thiếu sót nghiêm trọng", vì ẩn danh và bí mật là khía cạnh quan trọng của tiền mã hóa.
Theo Ehrenhofer, Bitcoin phải được thay thế bằng một hệ thống tiền mã hóa hoàn toàn bảo mật về mặt tài chính. Mục tiêu của nhóm là tạo ra một loại tiền ảo gần với tiền giấy nhất có thể, thỏa mãn 2 yếu tố, tính riêng tư và khả năng thay thế: ví dụ, tờ 10 USD nào cũng như nhau và không ai biết được quá khứ của chúng.
Mặc dù giá trị tăng gấp 5 lần tính từ đầu năm 2020, tổng Monero có lượng lưu hành là rất nhỏ đối với Bitcoin, cụ thể là 5 tỷ USD so với 727 tỷ USD, theo dữ liệu của CoinMarketCap.
Với sự ủng hộ của cộng đồng những người yêu chuộng tính bảo mật, Monero hiện tại là loại tiền mã hóa có cộng đồng giải mã lớn thứ 3, sau Bitcoin và Ethereum.
Monero cũng là tâm điểm những tranh cãi ngay từ những ngày đầu do gắn liền với các trao đổi bất hợp pháp và rửa tiền. Ngày nay, Monero được nhiều sàn giao dịch trên dark web lựa chọn làm hình thức thanh toán duy nhất, theo tiến sĩ Tom Robinson, nhà đồng sáng lập tập đoàn tình báo blockchain Elliptic.
Trong khi đó, nhiều nhà đàm phán các vụ tống tiền bằng mã độc bắt đầu liên hệ với cộng đồng lập trình viên Monero để nắm rõ cách thức hoạt động của đồng tiền này, nhằm xây dựng những mối quan hệ có lợi trong trường hợp được yêu cầu thanh toán bằng Monero, Ehrenhofer cho biết.
Nguy cơ tiềm ẩn
Monero đang là vấn đề nhức nhối đối với lực lượng hành pháp. Trước đó, họ chỉ quen với việc lần theo dấu vết của kẻ tình nghi thông qua sổ cái kỹ thuật số ghi lại giao dịch bằng Bitcoin, với sự giúp đỡ của chuyên gia phân tích tiền mã hóa.
Europol - Cục Cảnh sát châu Âu, trong một báo cáo năm 2020, đã liệt kê tiền bảo mật trong danh sách những yếu tố "khiến các cuộc điều tra tiền mã hóa khó khăn hơn và sẽ phổ biến hơn trong tương lai".
Vào tháng 9/2020, sở Thuế vụ Liên bang (IRS) treo thưởng 625.000 USD cho bất cứ ai thiết kế được một cung cụ có thể truy vết Monero. Nhiều công ty công nghệ của Mỹ đang âm thầm theo đuổi số tiền này.
Nhiều chuyên gia tiền mã hóa cho rằng khả năng các băng nhóm tống tiền chuyển sang chỉ thanh toán bằng Monero là khó xảy ra vì điều này gây khó khăn cho nạn nhân trong nỗ lực trả tiền chuộc.
Nhiều luận điểm chống lại Monero trên tính thanh khoản và tính khả dụng của loại tiền ảo này: điều này có nghĩa chỉ những giao dịch quy mô nhỏ khả thi. Khi mua một loại tiền không rõ nguồn gốc, khả năng phải trả số tiền lớn hơn giá trị thật là rất cao, gây ra nhiều khó khăn trong thương lượng, theo nhận định của Eric Friedberg, đồng Chủ tịch Tập đoàn An ninh Công nghệ Stroz Friedberg.
Thêm vào đó, vì tính bí mật của giao dịch Monero, người mua đứng trước nguy cơ giao dịch với những đối tượng bị cấm vận, hành vi vi phạm này chịu mức phạt rất cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng nhà làm luật Mỹ cố né tránh việc chỉ đích danh bất cứ loại tiền mã hóa nào trong quá trình soạn thảo luật. Tuy vậy, tiền bảo mật được loại bỏ khỏi danh sách phương thức thanh toán được chấp nhận trong các giao dịch tiền mã hóa lớn, nhằm tránh sự chú ý của lực lượng hành pháp, do chính quyền yêu cầu tăng cường chuẩn nhận biết khách hàng và chống rửa tiền.