Trong thế giới động vật, ngành Giun nhung (Onychophora) gồm những con vật kỳ lạ có thân dài và mềm mượt như giun, đầu có hai "sợi râu" như ốc sên và nhiều chi giống rết hoặc cuốn chiếu. Ảnh: Wikispecies.
Phạm vi phân bố bản địa của chúng là các vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi, châu Mỹ và Australia. Đây là ngành duy nhất trong giới Động vật hoàn toàn là đặc hữu của môi trường trên cạn. Ảnh: Portal de Zoologia de Pernambuco.
Trong tự nhiên, các loài giun nhung thường ẩn náu trong những kẽ hở và đám lá rụng trên mặt đất. Chúng ra ngoài vào buổi tối hoặc sau cơn mưa để săn con mồi là các động vật không xương sống khác. Ảnh: Zoological Studies.
Giun nhung có cách săn mồi khác thường: Chúng làm con mồi bất động bằng cách phun chất nhờn dính tiết ra từ các lỗ ở hai bên miệng, sau đó đánh chén nạn nhân. Ảnh: Science Learning Hub.
Trên mỗi chân của chúng có một cặp móng vuốt cứng làm bằng kitin, có thể thu vào. Điều này dẫn đến việc đặt tên ngành là Onychophora, với từ "onyches" trong tiếng Hy Lạp cổ đại là "móng vuốt". Ảnh: Ruppert alx-r@gmx.net.
Cặp râu trên đầu giun nhung đóng vai trò của một cơ quan thụ cảm trước các tác động vật lý và hóa học. Ở gốc của mỗi râu có một con mắt đơn giản trông như chấm đen, có thể nhận biết màu sắc và ánh sáng. Ảnh: National Geographic.
Giun nhung dài khoảng 6 cm khi trưởng thành. Những con vật này sinh sản theo hình thức hữu tính. Phần lớn các loài giun nhung đẻ trứng, nhưng cũng có một số loài sinh ra con non (trứng nở từ trong cơ thể mẹ). Ảnh: Otago Daily Times.
Trên phương diện tiến hóa, giun nhung không có quan hệ gần gũi với các ngành giun khác mà được coi là họ hàng gần của ngành Chân khớp (Arthropoda), gồm các loài côn trùng, giáp xác, nhện, rết, cuốn chiếu... Ảnh: Otago Daily Times.
Điều này làm cho giun nhung được các nhà cổ sinh vật học quan tâm đặc biệt, vì chúng có thể giúp tái tạo hình ảnh tổ tiên của các loài động vật Chân khớp. Ảnh: A&F Animals.
Cho đến nay, có khoảng 200 loài giun nhung đã được mô tả, mặc dù số lượng loài thực tế có khả năng lớn hơn. Chúng ít được biết đến do lối sống chui rúc, nằm ngoài tầm mắt con người của mình. Ảnh: Sciences et Avenir.
Khu vực phía Nam của Việt Nam nằm trong bản đồ phân bố của giun nhung. Vào năm 2013, nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Leipzig (Đức) đã lần đầu ghi nhận sự hiện diện của loài vật độc đáo này ở Việt Nam. Ảnh: BBC Science Focus Magazine.
Mời quý độc giả xem video: Khi động vật hoang dã kêu cứu | VTV24.
T.B (tổng hợp)