Loài vẹt thông minh vì chúng tiến hóa như linh trưởng?
Giới khoa học đã phát hiện một chi tiết trong hệ thần kinh của loài vẹt tương đồng với loài linh trưởng, giúp loài chim này có thể thông minh đến như vậy.
Các nhà thần kinh học ở Đại học Alberta (Canada) đã xác định được một cấu trúc thần kinh trong hệ thần kinh trung ương của loài vẹt mà có thể tiết lộ nhiều điều về sự thông minh của loài chim này.
Theo đó, các nhà khoa học tìm thấy một vùng đặc biệt trong não bộ của vẹt, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí khôn như ở loài linh trưởng, nó tương tự như pontine nuclei trong não người và các loài linh trưởng.
“Cấu trúc pontine nuclei giúp lưu chuyển thông tin giữa hai vùng lớn nhất của não là vỏ não và tiểu não, cho phép não xử lý thông tin ở mức cao hơn và phát lệnh cho cơ thể thực hiện hành vi phức tạp hơn,” tiến sĩ tâm lý học Cristian Gutierrez-Ibanez, giải thích.
“Các loài chim cũng có một cấu trúc gần giống như pontine nuclei nhưng nhỏ hơn, được gọi là SpM, cũng đóng vai trò tương tự. Nằm ở phần não khác nhau so với não của loài linh trưởng, nhưng SpM cũng giúp thông chuyển tín hiệu từ vỏ não và tiểu não để xử lý. Quá trình trao đổi thông tin giữa vỏ não và tiểu não là rất quan trọng, chúng quyết định các hành động có kế hoạch và các hành vi phức tạp mà cá thể có thể thực hiện.”
Thực hiện nghiên cứu trên 98 loài chim từ các họ chim lớn trên thế giới, từ gà nhà, vẹt rừng cho đến cú vọ, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích cấu trúc SpM trong não của các loài chim này để tiến hành so sánh tỷ lệ giữa cấu trúc này và bộ não. Kết quả cho thấy, loài vẹt có SpM lớn hơn so với các loài chim khác.
“SpM trong não vẹt rất lớn. So sánh theo tỷ lệ, SpM trong não vẹt lớn hơn từ hai đến năm lần so với các loài chim khác, như gà nhà. Như vậy, nhờ SpM mà vẹt đã có một bộ não phát triển gần như các loài linh trưởng. Thực tế, chúng ta thấy được loài vẹt có những hành động phức tạp và có thể tự nhận thức được. Não vẹt có nhiều điểm tương đồng với người và các loài linh trưởng,” Gutierrez-Ibanez cho biết.